Bức tranh “Cuộc vây hãm Sevastopol” của Franz Rouband mô tả lại trận đánh quan trọng nhất trong cuộc chiến tranh Crimea 1853-1856 - Ảnh: wikipedia.org
Nữ hoàng Catherine của Nga, người đã sáp nhập Crimea vào Nga năm 1783 - Ảnh: wikipedia.org
Bộ ba thủ tướng Anh Winston Churchill, tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt và tổng bí thư Liên Xô Joseph Stalin tại hội đàm Yalta ở Crimea phân định lại thế giới sau Thế chiến thứ hai - Ảnh: Wikipedia.
Một so sánh giữa Crimea với Texas sẽ cho thấy những điểm giống nhau tương đối giữa hai vùng đất này, tức là nếu người ta chấp nhận tình trạng hiện thời của Texas bất chấp nguồn gốc gây tranh cãi của nó, thì họ cũng phải thừa nhận tình trạng tương lai của Crimea, vì những gì diễn ra ở đó còn có nhiều tính chất “hợp pháp” hơn so với những gì xảy ra ở Texas 150 năm trước.
Texas ban đầu là một phần lãnh thổ Mexico giai đoạn 1821-1836. Trước khi giành độc lập, những người Mỹ ở vùng biên giới đã thực dân hóa vùng này và nhanh chóng chiếm ưu thế về dân số so với người dân bản địa. Dần dần, họ kích động vùng đất tách khỏi Mexico và nhập vào Mỹ. Texas rốt cuộc bị Mỹ "nuốt" mất vào năm 1846, và là cuộc mở rộng lãnh thổ lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Tình hình phần nào tương tự ở Crimea, nhưng cũng có những khác biệt. Chắc chắn là có nhiều người Nga sống ở đó hơn người Tatar, giống như có nhiều người Mỹ ở Texas hơn người Mexico, nhưng đó không phải là kết quả của quá trình di dân hàng loạt. Người Nga ở Crimea đã sống ở đó nhiều thế kỷ ngay cả trước khi Catherine Đại đế chiếm vùng này từ đế quốc Ottoman năm 1774 (hai năm trước khi Mỹ tuyên bố độc lập).
Crimea là một phần lãnh thổ của Nga cho tới tận năm 1954, khi nó được đơn phương trao lại cho nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Ukraine dưới thời Nikita Khruschev, một người gốc Ukraine đã lên làm lãnh đạo tối cao của Liên Xô. Khi đó, việc chuyển Crimea từ cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga cho Ukraine chỉ là một quyết định hành chính đơn giản, do cả hai thực thể này đều thuộc Liên bang Xô viết. Trong bối cảnh đó, người Nga bản địa ở Crimea không hề cảm thấy họ bị tách rời khỏi quê hương.
Năm 1991, đa số người Nga ở Crimea bỗng nhiên trở thành “người nước ngoài” sau khi Liên Xô sụp đổ, điều không ai ngờ được, và Ukraine tuyên bố độc lập. Dẫu vậy, vùng lãnh thổ này không đòi độc lập hay gia nhập Liên bang Nga. Mãi cho tới cuộc đảo chính ở Kiev và những quyết định mang tính phân biệt đối xử với người Nga sau đó, vấn đề Crimea trở về với Nga hay tách ra khỏi Ukraine mới được đặt ra.
Texas của Mỹ, và ở mức độ nào đó, Kosovo của người Albania, đã tiến hành những cuộc chiến tranh đẫm máu để độc lập, hoặc gia nhập một quốc gia khác. Điều này chưa xảy ra ở Crimea. Những xung đột đã xuất hiện, nhưng cho tới giờ hòa bình đã được duy trì. Nhiều đơn vị quân đội của Ukraine ở Crimea đã bày tỏ sự phản đối chính quyền mới ở Kiev. Những gì xảy ra bằng máu và bom đạn ở Mỹ và Albania có thể xảy ra một cách hòa bình ở Crimea. Người dân Crimea thậm chí lên kế hoạch về một cuộc trưng cầu ý dân ngày 30-3 tới về tương lai của vùng đất và quy chế tự trị, điều đã không xảy ra ở Texas.
Những gì diễn ra ở Crimea mang màu sắc của Texas, nhưng với cơ sở vững chắc hơn. Người Mỹ đã ồ ạt tràn vào Texas trong khoảng 15 năm, áp đảo dân địa phương và kích động chiến tranh đòi độc lập. Họ không tham gia và tiến hành các cuộc trưng cầu ý dân để quyết định tương lai của vùng đất này, nhưng sau khi thực tế đã giành độc lập và nhập vào Mỹ, tình trạng của bang Texas được tất cả các nước thừa nhận.
Ngày nay, Texas được công nhận là một phần lãnh thổ không thể tách rời, thậm chí là mang bản sắc của nước Mỹ. Vậy thì tại sao Crimea lại khác?
Crimea: một lịch sử đầy biến động
Thời cổ đại, Crimea có tên là Tauris (hay Taurida trong tiếng Nga). Vào thời kỳ trước Công nguyên, vùng đông Crimea là trung tâm của vương quốc Bospor Hi Lạp, với thủ đô là Panticapaeum (nay là thị trấn Kerch) và một hải cảng lớn ở Theodosia (nay là Feodosia). Ở phía tây là các thành bang Khersoness (ngoại ô Sevastopol ngày nay) và Kerkinitida (nay là Yevpatoria).
Thế kỷ 1. Người La Mã tới Crimea và thiết lập nền cai trị ở đây cùng các căn cứ hải quân ở Khersoness và phía đông bán đảo. Khersoness sau này trở thành một phần của đế chế Byzantine và nằm dưới sự kiểm soát của Constantinople cho tới thế kỷ 13 khi bị sáp nhập vào Kim Trướng hãn quốc của Thành Cát Tư Hãn.
1475. Đế chế Ottoman sáp nhập Crimea, bắt sống viên khả hãn Mengli Girei, nhưng rồi thả ông ra để thay mặt đế chế cai trị Crimea. Từ đó trở đi, Constantinople bổ nhiệm các khả hãn của Crimea, dù bán đảo phần nào vẫn là một vùng tự trị. Trong khoảng 300 năm sau đó, những người Tatar (tổ tiên của người Tatar Crimea) là lực lượng thống trị ở đây.
1783. Sau cuộc chiến Nga-Ottoman 1768-1774 và hòa ước Kuchuk Kainarji 1774, Nga ngày càng tăng cường ảnh hưởng với Crimea và chính thức sát nhập vùng đất này vào năm 1783.
1853. Chiến tranh Crimea bùng nổ và kéo dài ba năm. Nga thua trận trước liên quân đế chế Ottoman, Pháp, Anh và Sardinia, nhưng Crimea vẫn là lãnh thổ của Nga.
1917. Crimea có một giai đoạn ngắn là một quốc gia độc lập trước khi trở thành căn cứ cho quân Bạch vệ chống lại quân đội Bolshevik trong cuộc nội chiến Nga.
1921. Bán đảo được đặt tên lại là nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa tự trị Crimea, trở thành một phần của Liên bang Xô viết.
1942. Phát xít Đức chiếm đóng Crimea.
1944. Joseph Stalin trục xuất tất cả những người Tatar theo đạo Hồi đã sống trên bán đảo nhiều thế kỷ với cáo buộc họ hợp tác với phát xít Đức trong thế chiến thứ hai. Rất nhiều người đã trở lại Crimea trong những năm 1980 và 1990.
1945. Sau thế chiến thứ hai, Crimea mất quy chế tự trị và trở thành một tỉnh của Liên Xô với tên gọi Crimea Oblast.
1954. Nhà lãnh đạo Nga Nikita Khrushchev chuyển giao Crimea Oblast cho Ukraine.
1991. Liên Xô tan rã. Nhiều người nghĩ tổng thống Nga khi đó Boris Yeltsin sẽ giành Crimea về cho Nga, nhưng ông đã không đặt ra vấn đề đó trong các cuộc thương lượng với Ukraine.
1997. Ukraine và Nga ký hiệp ước cho phép Nga đóng hạm đội Biển Đen ở Sevastopol. Hiệp ước sau đó được gia hạn tới năm 2042.