Bộ Công an đang lấy ý kiến về dự thảo thông tư quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ của lực lượng CSGT. Sau khi có hiệu lực, thông tư này sẽ thay thế Thông tư số 77/2012 của chính Bộ Công an.
Lực lượng CSGT được quyền huy động hoặc trưng dụng phương tiện trong quá trình điều tra, giải quyết TNGT. Ảnh minh họa
Trong đó, ba tiêu chuẩn mà một CSGT phải đáp ứng trước khi được phân công điều tra, giải quyết TNGT. Thứ nhất phải có trình độ ĐH An ninh, ĐH Cảnh sát hoặc cử nhân luật trở lên, trường hợp tốt nghiệp các trường ngoài ngành công an phải qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ CAND.
Thứ hai phải có thời gian công tác trong lực lượng CSGT từ một năm trở lên.
Thứ ba, đã được tập huấn nghiệp vụ điều tra, giải quyết TNGT do Cục CSGT, công an cấp tỉnh tổ chức theo chương trình được Bộ Công an phê duyệt và được Cục CSGT cấp giấy chứng nhận.
Đáng chú ý, theo thông tư, lực lượng CSGT có quyền huy động, trưng dụng phương tiện trong quá trình điều tra, giải quyết TNGT.
Cụ thể, trong trường hợp cấp bách để đưa người bị nạn đi cấp cứu, truy bắt người phạm tội, người gây tai nạn giao thông bỏ chạy, cứu nạn, cứu hộ, chữa cháy…, CSGT được huy động phương tiện giao thông, phương tiện thông tin, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đang điều khiển, sử dụng phương tiện đó. Việc huy động được thực hiện dưới hình thức đề nghị hoặc yêu cầu.
Đối với hình thức trưng dụng phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, các phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân, CSGT thực hiện theo quyết định của người có thẩm quyền và theo điều kiện, trình tự, thủ tục do Luật trưng mua, trưng dụng tài sản, Luật Công an nhân dân quy định.
Thông tư cũng quy định chi tiết về việc tạm giữ, xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề liên quan đến vụ TNGT theo thủ tục hành chính.
Theo đó, khi tiến hành tạm giữ, CSGT phải ra quyết định và lập biên tạm giữ. Thời hạn tạm giữ là bảy ngày kể từ ngày tạm giữ. Trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp cần tiến hành xác minh thì cán bộ điều tra phải báo cáo đề xuất bằng văn bản lãnh đạo có thẩm quyền ra quyết định kéo dài thời hạn tạm giữ, thời hạn kéo dài tối đa không quá 23 ngày.
Nếu vụ TNGT có nhiều tình tiết phức tạp và thuộc trường hợp giải trình theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì người có thẩm quyền giải quyết vụ TNGT phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn tạm giữ; thời hạn gia hạn không quá 30 ngày.
Đặc biệt, Bộ Công an nêu rõ sau khi kết thúc khám nghiệm phương tiện giao thông, xác định người điều khiển phương tiện không có lỗi và không vi phạm các quy định khác của pháp luật thì phương tiện giao thông phải được trả ngay cho chủ sở hữu hoặc người điều khiển phương tiện.
Bộ Công an nghiêm cấm việc giữ phương tiện giao thông của các bên liên quan đến vụ TNGT để làm căn cứ giải quyết bồi thường thiệt hại.