Cực thú vị chuyện người đàn ông tự tạo 'quốc gia' riêng giữa sa mạc

(PLO)- Sau khi ghé thăm gần hết các nước được Liên Hợp Quốc công nhận, ông Randy Williams quyết định tự tạo ra "quốc gia" của riêng mình và mở cửa đón khách tham quan.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ông Randy Williams là một phát thanh viên. Ông dành gần như cả cuộc đời để đi du lịch tới các quốc gia trên thế giới. Tính đến năm 2021, ông Williams đã đến thăm hầu hết quốc gia được Liên Hợp Quốc công nhận.

Sau đó, ông Williams mua một mảnh đất khô cằn rộng gần 45.000 m vuông giữa sa mạc tại bang California (Mỹ) để xây dựng một "quốc gia" của riêng mình. Ông đặt tên “quốc gia” này là Slowjamastan – theo chương trình phát thanh của ông.

Vào 12 giờ 26 ngày 1-12-2021, trong bộ vest chỉnh tề và đeo kính râm, ông Williams chính thức tuyên bố vùng đất Slowjamastan của ông “độc lập” khỏi nước Mỹ.

Ông Williams gọi mình là quốc vương, đặt tên “thủ đô” của Slowjamastan là Dublândia. Ông cũng tạo ra “hộ chiếu” riêng, treo “cờ” riêng, in “tiền” riêng và có bài “quốc ca” được cử hành vào các dịp quan trọng.

Người đàn ông tự tạo 'quốc gia' riêng giữa sa mạc
Ông Randy Williams tại bàn làm việc của mình. Ảnh: CNN

Thậm chí, có hơn 500 người đã được công nhận là “công dân” của Slowjamastan. Ngoài ra, 4.500 người được xem là đủ điều kiện và đang chờ cấp “quốc tịch” của Slowjamastan.

Nguồn cảm hứng

Có tên chính thức là "Lãnh thổ thống nhất quốc gia có chủ quyền Cộng hòa Nhân dân Slowjamastan", “đất nước” tự xưng của ông Williams nằm ngoài Xa lộ tiểu bang California 78, cách TP San Diego 2 giờ rưỡi lái xe về phía tây bắc.

Mảnh đất nhỏ không khác gì sa mạc nhưng ông Williams đã dựng một tấm biển khổng lồ ghi “Chào mừng đến với Slowjamastan” bên đường cao tốc. Ông đã xây dựng một “trạm kiểm soát biên giới”, xây dựng văn phòng quản lý và treo “lá cờ” Slowjamastan đầy màu sắc phía trên văn phòng của mình. Văn phòng của ông cũng mở cửa cho khách tham quan.

“Một trong những lý do tôi tạo ra Slowjamastan là vì sau 193 quốc gia, tôi muốn có quốc gia thứ 194!” – ông Williams nói.

Ông Williams được truyền cảm hứng thành lập “đất nước” của riêng mình sau khi đến thăm nhiều “vi quốc gia" – những vùng lãnh thổ tự tuyên bố và thường do các nhà lãnh đạo có phần lập dị điều hành – trong chuyến du lịch vòng quanh thế giới của mình.

Vào tháng 8-2021, ông Williams đến thăm "Cộng hòa Molossia". Đây là một vùng lãnh thổ tự tuyên bố rộng hơn 45.000 m vuông ở bang Nevada, đã tuyên bố “độc lập” khỏi Mỹ vào năm 1998.

Tại đây, ông Williams được “Tổng thống Kevin Baugh” dẫn đi tham quan. Ông Baugh đã giới thiệu cho ông Kevin về Molossia, về loại "tiền tệ" mà vùng đất này sử dụng. Ông Williams cũng được đóng dấu lên hộ chiếu và chụp ảnh tại khu vực “biên giới” giữa Molossia và Mỹ.

230412093744-01-slowjamastan-micronation-sign-9688-2734.jpg
Biển tên của Slowjamastan. Ảnh: CNN

Khi trở về nhà ở San Diego, ông Williams ngay lập tức bắt đầu vạch ra những kế hoạch lớn cho “vi quốc gia” của riêng mình. Vào tháng 10-2021, ông mua một lô đất với giá 19.000 USD và đến tháng 12 cùng năm, ông tuyên bố “nền độc lập” của Slowjamastan.

Một mình một cõi

Khi giải thích về “hệ thống chính phủ” của mình, ông Williams cho biết: “Hầu hết thời gian, chúng tôi là một chế độ độc tài. Thỉnh thoảng, chúng tôi tổ chức các buổi lễ ‘bỏ phiếu’ và ‘trưng cầu dân ý đặc biệt’. Gần đây, tôi đã cho phép người dân ‘bỏ phiếu’ về việc đặt tên loại trái cây, môn thể thao và con vật đặc trưng của chúng tôi”.

Ông Williams thường mặc bộ quần áo của quốc vương với màu xanh lá cây tươi sáng, cùng với các giải thưởng quân sự giả và mang kính râm màu. Ông cũng thuê “lính biên phòng” và “đặc vụ an ninh” khi tham gia các sự kiện.

Ông cũng đưa ra một danh sách các lệnh cấm, yêu cầu “người dân” và du khách phải tuân theo, nếu không sẽ bị “trục xuất”. Các lệnh cấm này bao gồm cấm mang giày crocs, cấm mở nhạc hip-hop.

Mọi người có thể nộp đơn xin “quyền công dân” và các vị trí trong “nội các” thông qua trang web Slowjamastan. Trang web này có lượng truy cập khá cao và có hàng nghìn người đang trong danh sách chờ được làm “công dân” của Slowjamastan.

Slowjamastan hiện mở cửa cho khách du lịch tham quan. Theo CNN, các hoạt động du lịch phổ biến nhất bao gồm chụp ảnh trước biển tên Slowjamastan, tham quan quảng trường Độc lập và tìm kiếm loài gấu mèo Slowjamastan – loài động vật đặc trưng của Slowjamastan.

230412095314-03-slowjamastan-micronation-passport-split-9824.jpg
"Hộ chiếu" của Slowjamastan. Ảnh: CNN

Hiện tại, ông Williams cho biết đang lên kế hoạch gây quỹ để xây dựng “một dòng sông nhân tạo, một trang trại nuôi con tatu, một quán nướng kiểu Mông Cổ và tất nhiên, một bức tượng khổng lồ của lãnh đạo vĩ đại [ông Williams]”.

“Chúng tôi cũng tổ chức một số hoạt động trong suốt cả năm, bao gồm cơ hội được đóng dấu vào hộ chiếu, tham gia lễ kỷ niệm và thậm chí gặp gỡ quốc vương” – ông Williams nói.

Tìm kiếm sự "công nhận ngoại giao"

Ông Williams cho biết ông đang nỗ lực tạo dựng "mối quan hệ ngoại giao" với các quốc gia khác. Ngoài ra, “hộ chiếu” Slowjamastan của ông đã được 16 quốc gia, bao gồm Nam Phi, New Zealand, Vanuatu, Mỹ, đóng dấu trong những lần ông đi du lịch gần đây.

Ông Williams cho rằng về mặt lý thuyết Slowjamastan đáp ứng các tiêu chí về một quốc gia có chủ quyền theo Công ước Montevideo năm 1933. Theo đó, Công ước Montevideo yêu cầu một quốc gia phải có dân số thường trú, lãnh thổ xác định, chính phủ và khả năng thiết lập quan hệ ngoại giao với các quốc gia khác.

Bước tiếp theo để Slowjamastan được công nhận là vùng đất này phải thực sự tách khỏi Mỹ. Tuy nhiên, ngay cả ông Williams cũng cho rằng điều này là xa vời.

“Tôi hơi thất vọng khi phải nói rằng mặc dù tôi đã gửi email và tin nhắn trực tiếp tới Tổng thống Mỹ Joe Biden trên Facebook, Twitter, Instagram và MySpace nhưng tất cả tin nhắn của tôi đều chưa được đọc. Có lẽ chúng bị kẹt trong mục thư rác. Chúng tôi sẽ tiếp tục gửi những tin nhắn như vậy trong tương lai” – ông Williams nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm