Vừa qua, Pháp luật TP.HCM có bài viết: “Chùa kêu gọi cúng dường bằng cây xanh để ‘tặng rừng cho mai sau” về một dự án rất ý nghĩa của chùa Diệu Pháp (nằm trong hẻm nhỏ phường 13, Quận Bình Thạnh, TP.HCM).
Cụ thể, chùa Diệu Pháp đã vận động các phật tử không cần phải phóng sanh thả cá, thả chim; không cúng dường sổ đỏ, tài sản, tiền bạc,... chỉ cần cúng dường bằng cây cho đợt trồng rừng đầu tiên năm 2024 tại Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai (Cát Tiên).
Càng ý nghĩa hơn khi sau trồng cây, nhà chùa và phật tử có chuyến đi bộ khoảng 5 cây số dưới tán rừng để nghe các chuyên gia của khu dự trữ giới thiệu về các loại dược liệu quý hiếm có trong khu rừng, cây bản địa tại địa phương, cũng như nhận diện cấu trúc của một khu rừng nhiệt đới.
Sau khi PLO thông tin, một số bạn đọc đã nêu ý kiến về dự án thay thế cúng dường truyền thống bằng trồng cây xanh:
Một dự án hay và ý nghĩa
“Một dự án rất có nhân văn, cần được mở rộng khắp nơi để Việt Nam trở lại tiếng vang là "rừng vàng biển bạc". Tôi cảm thấy rất vui vì thấy được sự thay đổi tích cực của tôn giáo khi thay thế việc cúng dường sổ đỏ, tài sản, tiền bạc,... thành những cúng phẩm có ý nghĩa hơn với môi trường và xã hội", bạn đọc Hùng Phạm chia sẻ.
“Tôi hoàn toàn đồng tình với dự án của chùa Diệu Pháp. Đây là một sáng kiến rất hay, thiết thực, có ích cho môi trường và xã hội. Việc cúng dường gần đây đã được xem là con gà đẻ trứng vàng cho các chùa, đem lại sự hao phí mà cũng không đem lại lợi ích cho phật tử. Tôi thấy việc thay bằng cây xanh rất tuyệt vời!”, bạn đọc Nguyễn Chung đồng tình.
“Cách này rất hay và ý nghĩa nè! Tại sao cúng dường cứ phải là cúng dường nhỉ? Cúng thì bằng cái tâm của bản thân mình, nếu cái gì cũng quy đổi thành tiền thì nên đổi thành “Công ty cổ phần Phật giáo” cho đúng tính chất”, bạn đọc Mai Trí hóm hỉnh.
Ngoài ý kiến của các bạn đọc trên, bạn đọc Văn Dương cũng cho rằng: “Đây là việc làm có ý nghĩa cho mai sau, để lại nhiều bài học ý nghĩa . Tôi đề nghị sẽ có thêm nhiều chùa thực hiện thêm những dự án cộng đồng như vậy, phóng sanh từ thiện để bảo vệ môi trường và nâng cao ý thức xã hội. Những việc này dù nhỏ, nhưng chí ít vẫn là những hành động thiết thực, thực tế còn hơn là những người chỉ biết nói cái miệng, tung hô qua mạng mà cũng chả mang lại những đóng góp gì”.
Cúng dường hay cung dưỡng theo quan điểm của đạo phật là hình thức công đức các lễ vật như thức ăn, hoa, hương, nhang, đèn, kinh sách, giáo thuyết,... dâng lên các chư Phật, chư Bồ Tát để tỏ lòng biết ơn. Cúng dường cũng là một phương pháp tu tập theo quan niệm của đạo Phật. Mục đích của hoạt động này là tích đức, tích phước báu về sức khỏe, phúc thọ, trí tuệ với mong muốn có được hạnh phúc, an vui trong cuộc đời.