Cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung nóng với sắc lệnh của ông Biden

(PLO)- Sắc lệnh của Tổng thống Joe Biden hạn chế doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào công nghệ nhạy cảm ở Trung Quốc khả năng sẽ làm nóng thêm cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung vốn đã căng thẳng lâu nay.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 9-8 ký sắc lệnh hành pháp hạn chế đầu tư của Mỹ trong một số công nghệ nhạy cảm ở Trung Quốc (TQ), theo hãng tin Reuters. Sắc lệnh cho phép Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen cấm hoặc hạn chế doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào ba lĩnh vực công nghệ cao ở TQ như chip bán dẫn - vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử và một số hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI). Sắc lệnh sẽ có hiệu lực từ đầu năm sau.

Đằng sau động thái của Mỹ

Trong thư gửi Quốc hội trình bày về động thái mới, ông Biden khẳng định Mỹ từ lâu luôn cam kết mở cửa đầu tư và đây là nền tảng giúp nước này đạt được thành tựu kinh tế to lớn như hiện nay. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện tại một số khoản đầu tư nhất định của Mỹ có thể “đẩy nhanh và tăng cường thành công” ở một số quốc gia trong nỗ lực phát triển công nghệ để chống lại Mỹ và đồng minh.

Phụ trách thực thi sắc lệnh là Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen. Phối hợp với bà Yellen có Bộ trưởng Bộ Thương mại Gina Raimondo, Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lloyd Austin, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Jennifer Granholm và Giám đốc Tình báo quốc gia Avril Haines.

Ông Biden cũng tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để đối phó với mối đe dọa ngày càng gia tăng từ các quốc gia như TQ “trong các công nghệ và sản phẩm nhạy cảm quan trọng đối với quân đội, tình báo, giám sát hoặc khả năng kích hoạt không gian mạng”.

Sắc lệnh của ông Biden được sự ủng hộ từ lưỡng đảng.

Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer hoan nghênh sắc lệnh là “hành động kịp thời” khi cho rằng sự trỗi dậy của quân đội TQ là nhờ một phần không nhỏ đầu tư tài chính từ doanh nghiệp Mỹ. Và “hôm nay, Mỹ thực hiện bước đầu tiên mang tính chiến lược để đảm bảo đầu tư của Mỹ không dùng để tài trợ cho sự tiến bộ của quân đội TQ”, theo ông Schumer.

Trong khi đó, các nghị sĩ đảng Cộng hòa nhận định bước đi của ông Biden là cần thiết, dù có chậm. Đánh giá cao sắc lệnh của ông Biden, tuy nhiên Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Michael McCaul (đảng Cộng hòa) cho rằng nội dung vẫn chưa đủ mạnh khi không nhắc tới các khoản đầu tư trong các lĩnh vực cũng đáng lo ngại như công nghệ sinh học hay năng lượng.

Cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung khả năng sẽ nóng thêm với sắc lệnh của Tổng thống Mỹ Joe Biden hạn chế doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào công nghệ nhạy cảm ở Trung Quốc. Ảnh: REUTERS

Cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung khả năng sẽ nóng thêm với sắc lệnh của Tổng thống Mỹ Joe Biden hạn chế doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào công nghệ nhạy cảm ở Trung Quốc. Ảnh: REUTERS

Trung Quốc nói thất vọng, sẽ đáp trả

Ngày 10-8, Bộ Thương mại TQ cho biết nước này quan ngại sâu sắc trước sắc lệnh của ông Biden và sẽ có hành động đáp trả, theo tờ China Daily. Theo Bộ Thương mại TQ, Mỹ đã lợi dụng chiêu bài “giảm thiểu rủi ro” để hạn chế và cắt đứt dây chuyền đầu tư của các công ty Mỹ ra nước ngoài, đặc biệt tới TQ.

Bộ Thương mại TQ chỉ trích sắc lệnh của ông Biden “đi chệch hướng nghiêm trọng khỏi nền kinh tế thị trường và các nguyên tắc cạnh tranh công bằng mà Mỹ luôn ủng hộ”. TQ cáo buộc động thái của Mỹ ảnh hưởng các quyết định kinh doanh bình thường của các doanh nghiệp, phá vỡ trật tự kinh tế và thương mại quốc tế, phá vỡ nghiêm trọng an ninh của chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu.

Bộ Thương mại TQ kêu gọi Mỹ tôn trọng quy luật kinh tế thị trường và nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng, không cản trở các hoạt động giao lưu - hợp tác kinh tế, không gây trở ngại cho sự phục hồi tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Tại Mỹ ngày 9-8, người phát ngôn Đại sứ quán TQ tại Washington DC Lưu Bằng Vũ phản ứng rằng Bắc Kinh rất thất vọng trước việc Nhà Trắng muốn kiểm soát dòng đầu tư vào công nghệ TQ.

Theo ông Lưu thì Đại sứ quán TQ đã “bày tỏ quan ngại sâu sắc” khi phía Mỹ thông báo với Đại sứ Tạ Phong một tuần trước rằng ông Biden sẽ ký sắc lệnh. Lúc đó ông Tạ đã phản đối và cho rằng nó đi ngược lại nỗ lực hàn gắn ngoại giao hai nước. Làm suy yếu lợi ích các công ty và nhà đầu tư của Mỹ cũng như của TQ sẽ khiến niềm tin của cộng đồng quốc tế vào môi trường kinh doanh tại Mỹ suy giảm. Tuy nhiên, ông Biden vẫn ký ban hành sắc lệnh và “phía TQ rất thất vọng về điều này”, ông Lưu nói ngày 9-8.•

Giới chuyên gia nói gì?

Từ lâu nhiều quan chức Mỹ đã báo hiệu rằng Mỹ sẽ có sắc lệnh hạn chế đầu tư vào lĩnh vực công nghệ TQ, theo hãng tin AP. Điều chưa xác định được hiện tại là không rõ thị trường xem đây là một bước đi có tính toán hay chỉ là một động thái gia tăng căng thẳng trực tiếp vào thời điểm nền kinh tế TQ đang gặp nhiều khó khăn.

Chuyên gia Elaine Dezenski thuộc Tổ chức Bảo vệ dân chủ (Mỹ) nghiêng về khả năng “thông điệp mà sắc lệnh gửi tới thị trường lúc này có thể là chính quyền Mỹ và các công ty Mỹ đã xem xét lại những rủi ro khi đầu tư vào TQ”.

Hiệp hội Cộng nghiệp bán dẫn (Mỹ) cảnh báo chính quyền Mỹ cần hết sức cẩn trọng với sắc lệnh mới này, tránh đẩy nhanh sự rạn nứt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm