Cuộc đua tìm kiếm xác tiêm kích F-35 ở Thái Bình Dương

19 giờ 27 phút hôm 9-4 (giờ Nhật), một chiếc tiêm kích tàng hình đa năng F-35A của Nhật mất tích khi đang bay huấn luyện trên Thái Bình Dương, khu vực bờ biển phía Đông tỉnh Aomori (Nhật) cách căn cứ không quân Misata 135 km. Trên máy bay có một phi công.

Chiếc máy bay mất tích khỏi màn hình radar khoảng nửa tiếng sau khi cất cánh từ sân bay Misawa cùng với ba chiếc F-35A khác để thực hiện phiên huấn luyện. Theo thông tin từ The Diplomat, phi đội F-35 đầu tiên này của Nhật chỉ mới đi vào hoạt động 11 ngày trước. Nguyên nhân tai nạn chưa được xác định.

Một chiến dịch do thám và chống do thám dưới nước?

Hiện các lực lượng Nhật và Mỹ đang ráo riết tìm kiếm chiếc F-35 với hơn chục máy bay tuần tra và tàu hộ tống, tàu tuần tra. Đến sáng 10-4, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Takeshi Iwaya cho biết đã tìm thấy mảnh vỡ được cho là thuộc phần đuôi của chiếc F-35A mất tích.

Đài Fox News (Mỹ) dẫn nhận định một số chuyên gia cho rằng sẽ là một mối lo an ninh lớn với Mỹ một khi xác chiếc F-35 này lọt vào tay Nga hay Trung Quốc (TQ). Viết trên Twitter, chuyên gia quân sự Tom Moore vốn là thành viên cấp cao tại Ủy ban Quan hệ đối ngoại Thượng viện Mỹ cho rằng đây sẽ là một thương vụ hời với TQ và Nga vì hai nước này sẽ không từ chối bất cứ giá nào để có được chiếc F-35 nếu có thể.

Cả Nga và TQ đều hiện diện hàng hải rất đông ở khu vực, vì thế khả năng hai nước này tìm thấy chiếc F-35 mất tích của Nhật là rất lớn, trang tin Business Insider (Mỹ) nhận định.

Theo biên tập viên Tyler Rogoway tại trang tin chuyên về vũ khí The War Zone, nếu đúng chiếc F-35 của Nhật chìm dưới đáy Thái Bình Dương thì mọi người có thể sẽ chứng kiến một trong những chiến dịch do thám và chống do thám dưới nước lớn nhất kể từ thời Chiến tranh lạnh. Và nếu chiếc F-35 hoạt động mà không có bộ phản xạ radar để xác định nó rơi chỗ nào thì có thể sẽ có vấn đề lớn.

Một chiếc tiêm kích tàng hình F-35A của Lực lượng Phòng vệ không quân Nhật, tương tự chiếc vừa rơi tối 9-4. Ảnh: REUTERS

Nga, TQ khó bỏ qua cơ hội

Cả TQ và Nga đều có các dòng tiêm kích tàng hình có thể so sánh với F-35 của Mỹ. Chẳng hạn, TQ có J-20, J-21, Nga có Su-57, Su-35. Dòng Su-57 của Nga có thể bay chặng đường dài, được trang bị công nghệ tàng hình, hệ thống radar hoạt động tích cực và có thể thực hiện các chiến dịch tấn công cả trên không lẫn mặt đất.

Đầu tháng này, tạp chí Defense Weekly cho biết Nga có thể sẽ sớm đề nghị TQ và một số nước khác như Thổ Nhĩ Kỳ mua biến thể Su-57E. Tháng 5 năm ngoái, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu bày tỏ sự quan tâm đến Su-57 nếu Mỹ không bán F-35 liên quan việc Thổ Nhĩ Kỳ muốn mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. 

Nhiều chuyên gia nhận định sẽ rất khó khôi phục động cơ chiếc máy bay từ các mảnh vỡ dưới đáy biển. Tuy nhiên, trao đổi với Fox News, phi công - chuyên gia hàng không người Ý David Cenciotti cho rằng bản thân các mảnh vỡ cũng có thể đưa ra các thông tin quan trọng. Theo ông Cenciotti, mọi thông tin sẽ xuất hiện dựa vào mọi người sẽ tìm được cái gì, tìm được thời điểm nào và trên hết là điều kiện chúng khi tìm được thế nào sau khi rơi xuống mặt biển.

Không khó để hình dung sự tò mò của Nga lẫn TQ với một chiếc F-35 chứa đựng công nghệ và kỹ thuật chế tạo vũ khí tinh vi, phức tạp của Mỹ, dù bản thân chương trình phát triển F-35 gặp nhiều tai tiếng. Đây là dự án quốc phòng tốn kém nhất trong lịch sử quốc phòng Mỹ với tổng chi phí dự kiến lên tới 1.500 tỉ USD trong 55 năm vòng đời của loại máy bay này. Ngoài quá tốn kém, dự án còn bị chỉ trích vì hàng loạt lỗi kỹ thuật và thiết kế mà tới lúc này vẫn chưa được khắc phục dù đã giới thiệu với quân đội Mỹ từ năm 2015.

Năm ngoái, Văn phòng giải trình chính phủ Mỹ công bố một báo cáo cho thấy F-35 có tới 111 chi tiết thiếu sót có thể dẫn đến chết người, gây bị thương nghiêm trọng cho người khiến máy bay bị rơi hoặc hư hỏng nặng…, hạn chế nghiêm trọng khả năng sẵn sàng chiến đấu của loại máy bay này. Tháng 8-2018, tổ chức phi lợi nhuận dự án về giám sát chính phủ (POGO - Mỹ) cho biết một số quan chức cấp cao Mỹ liên quan dự án phát triển F-35 che đậy các lỗi thiết kế nguy hiểm ở dòng tiêm kích này thay vì khắc phục chúng. Mục đích nhằm có thể tuyên bố hoàn thành giai đoạn phát triển đúng thời hạn mà không phải tốn thêm tiền sửa chữa.

Khả năng tàng hình của F-35 cũng bị đặt câu hỏi dù Tổng thống Donald Trump nhiều lần khen ngợi tính “vô hình” của nó. Phi công Cenciotti cho rằng khả năng tàng hình của F-35 dựa vào dáng vẻ, động cơ, cũng như các vật liệu được sử dụng để chế tạo máy bay và “hàng triệu dòng” mã phần mềm được sử dụng. Cả ông Cenciotti cũng cho rằng F-35 “có khả năng quan sát kém cũng như khả năng tàng hình kém”.

Giá 1 chiếc F-35 khoảng 100 triệu USD

Những chiếc F-35 cung cấp cho thị trường Nhật một số được lắp ráp ở Mỹ, một số được lắp ráp tại một nhà máy ở tỉnh Nagoya (Nhật). Và chiếc F-35A vừa bị rơi là chiếc đầu tiên được lắp ráp ở Nhật, Bộ Quốc phòng nước này cho biết. Mỹ lần đầu đưa F-35 vào chiến đấu hồi tháng 10-2018: Một chiếc F-35B của thủy quân lục chiến Mỹ cất cánh từ tàu đổ bộ USS Essex đánh các mục tiêu ở Afghanistan. Các quân chủng không quân, hải quân, thủy quân lục chiến Mỹ đều có các biến thể F-35 khác nhau.

Không quân Mỹ đang có 156 chiếc F-35A được thiết kế cất cánh từ đường băng thông thường, thủy quân lục chiến Mỹ có 61 chiếc F-35B cất cánh nhanh và hạ cánh thẳng đứng, hải quân Mỹ có 28 chiếc F-35C sử dụng trên tàu sân bay. Hiện một số nước mua và đang đặt mua F-35 của Mỹ, ngoài Nhật còn có 13 nước khác. Giá bán một chiếc F-35 khoảng 100 triệu USD.

Hai chiếc F-35 đã rơi tính từ khi dòng tiêm kích chiến đấu thế hệ thứ năm này được đưa vào khai thác. Tháng 9-2018, một chiếc F-35B của thủy quân lục chiến rơi ở Mỹ mà nguyên nhân theo Mỹ nhận định có thể do lỗi ở thanh nhiên liệu. Năm 2017, một chiếc F-35 của Mỹ ở Okinawa (Nhật) rơi mất một số bộ phận trên thân khi đang bay huấn luyện. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm