VKSND Tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố 12 bị can về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Thanh Hóa theo khoản 3 Điều 222 BLHS.
Cáo trạng nêu về hành vi vụ lợi liên quan đến hai gói thầu mua đồ dùng dạy học lớp 1 thực hiện các chương trình sách giáo khoa mới từ năm học 2020-2021 cho các trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa với tổng giá trị hợp đồng là 119,6 tỉ đồng.
Bị can Phạm Thị Hằng và một số đồng phạm trong vụ án. Ảnh: Bộ Công an |
Cụ thể, sau khi kết thúc mỗi gói thầu, Lê Thế Sơn - Giám đốc Công ty sách sau khi được thông thầu và thổi giá lên hơn 20,8 tỉ đồng thì đã đến phòng làm việc của Nguyễn Văn Phụng (chuyên viên Phòng Kế hoạch-Tài chính của Sở GD&ĐT) hai lần để "lại quả", mỗi lần 3 tỉ đồng (tổng cộng 6 tỉ đồng).
Sau khi nhận tiền, Phụng đã phân chia và đưa cho các cá nhân tại Sở GD&ĐT, trong đó bà Phạm Thị Hằng (khi đó là giám đốc Sở GD&ĐT) nhận 3 tỉ đồng. Các cá nhân còn lại gồm Trịnh Hữu Nghĩa, phó trưởng Phòng Kế hoạch-Tài chính nhận 1,65 tỉ đồng; Lê Văn Cương, trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính nhận 250 triệu đồng; Nguyễn Văn Phụng nhận 700 triệu đồng; Bùi Trí Thức chuyên viên phòng Kế hoạch-Tài chính nhận 300 triệu đồng và số tiền còn lại Phụng giữ lại cho Phòng Kế hoạch-Tài chính Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa chi vào việc chung.
Theo cáo trạng, năm 2020, Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa triển khai thực hiện hai gói thầu mua đồ dùng dạy học lớp 1 thực hiện các chương trình sách giáo khoa mới từ năm học 2020-2021 cho các trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa với tổng giá trị hợp đồng là 119,6 tỉ đồng.
Với hai gói thầu này các bị can Phạm Thị Hằng, Lê Văn Cương, Trịnh Hữu Nghĩa, Nguyễn Văn Phụng, Bùi Trí Thức, Lê Thế Sơn, Vũ Thị Ninh, Đặng Xuân Minh, Nguyễn Quốc Việt, Hồ Thị Sáu, Nguyễn Duy Linh, Bùi Việt Long đã có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động đấu thầu gây thiệt hại cho ngân sách 20,867 tỉ đồng.
VKSND Tối cao nêu quá trình phạm tội của bà Hằng: Quá trình tổ chức triển khai thực hiện hai gói thầu mua đồ dùng dạy học lớp 1, bà Hằng đã có hành vi thông thầu, không đảm bảo công bằng, minh bạch; tiết lộ tiếp nhận những tài liệu thông tin quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
Bà Hằng đã có hành vi lợi dụng các chức vụ quyền hạn can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu; chỉ đạo các bị can Lê Văn Cương, Trịnh Hữu Nghĩa, Nguyễn Văn Phụng tạo điều kiện cho Công ty Sách Thanh Hóa do Lê Thế Sơn làm giám đốc tham gia và trúng thầu.
Thành lập hội đồng mua sắm thiết bị nhưng không thực hiện nhiệm vụ liên quan đến các gói thầu dù bà Hằng là chủ tịch Hội đồng mua sắm và trực tiếp chỉ đạo thực hiện hai gói thầu mua thiết bị dạy học lớp 1 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
VKSND Tối cao kết luận: Bà Hằng đã ký các văn bản đề xuất của cấp dưới dù biết rõ nội dung thực hiện kết quả lựa chọn nhà thầu là không công bằng, không khách quan. Hành vi của Bà Hằng vi phạm quy định tại Điều 89 Luật Đấu thầu năm 2013, gây thiệt hại cho ngân sách 20,8 tỉ đồng, trong đó bà Hằng hưởng lợi trái pháp luật là 3 tỉ đồng.
Trong quá trình điều tra, bà Hằng đã khai báo toàn bộ hành vi phạm tội, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra và đã nộp 5 tỷ đồng khắc phục hậu quả. Trong quá trình công tác, bà Hằng được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều bằng khen, giấy khen.