Việc đầu tư này nhằm bổ sung và từng bước hoàn chỉnh mạng lưới vận tải công cộng bằng xe buýt. Bên cạnh đó tăng khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân TP, tạo tiền đề cho việc hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông khi đô thị ngày càng phát triển.
Theo đó, sáu tuyến xe buýt mới này bao gồm: Cảng sông Hàn - Hòa Tiến (số hiệu R4A, chiều dài 17,3 km); Bến xe Trung tâm TP - Khu du lịch Non Nước (số hiệu R6A - 21,6 km); Trung tâm TP (Công viên 29-3) - Khu công nghệ cao (số hiệu R14 - 24,18 km); Bến xe Trung tâm TP - Thọ Quang (số hiệu R15 - 16,16 km); Kim Liên - Cao đẳng Việt Hàn (số hiệu R16 - 31,58 km); Cảng sông Hàn - Trung tâm Hành chính huyện Hòa Vang (R17A - 19,2 km).
Đà Nẵng sẽ đầu tư thêm sáu tuyến xe buýt để tiến tới hạn chế xe cá nhân. Ảnh: NGUYỄN TRI
UBND TP Đà Nẵng cho biết các xe buýt đều được đầu tư mới 100% với sức chứa 40 chỗ ngồi, tiêu chuẩn khí thải phù hợp quy định hiện hành; giá vé trợ giá không đổi so với năm tuyến xe buýt trợ giá hiện trạng.
Ngoài ra, TP cũng sẽ đầu tư xây dựng năm điểm đầu cuối và điểm trung chuyển; cải tạo ba vị trí để làm điểm đầu cuối kỹ thuật phục vụ hoạt động vận tải công cộng.
UBND TP Đà Nẵng đang giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp các sở, ban ngành liên quan tổ chức triển khai sáu tuyến mới theo đúng quy định.
Sau khi sáu tuyến buýt mới đi vào hoạt động, Sở GTVT chịu trách nhiệm tổ chức rà soát, đề xuất điều chỉnh lại lộ trình năm tuyến xe buýt trợ giá hiện trạng và tuyến TMF.
Để từng bước hoàn thiện tổng thể hệ thống mạng lưới và cập nhật vào Quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.