Ngày 21-9, kỳ họp thứ 13 (kỳ họp chuyên đề) HĐND TP Đà Nẵng khóa X đã biểu quyết thông qua tờ trình và dự thảo nghị quyết của UBND TP về chính sách hỗ trợ đào tạo văn bằng đại học thứ hai ngành luật đối với cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) thuộc TP.
Chỉ 4% cán bộ được đào tạo chuyên môn luật
Theo tờ trình do Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh ký, đội ngũ CBCCVC làm công tác pháp chế tại các sở ban ngành tính đến năm 2022 là 18 người ở 20 cơ quan, đơn vị được thống kê. Trong đó chỉ có tám người làm chuyên trách.
Tính đến tháng 6, số lượng CBCCVC có trình độ đào tạo chuyên môn ngành luật đang công tác chỉ chiếm khoảng 4% (998 CBCCVC trên tổng số 23.981 CBCCVC khối chính quyền).
Tờ trình cho hay qua công tác thanh tra, điều tra, kiểm tra, kiểm toán, các cơ quan chức năng cũng đã chỉ ra nhiều hạn chế, thiếu sót trong quá trình tham mưu và thực thi nhiệm vụ.
“Thậm chí, không ít trường hợp sai phạm do CBCCVC có sự chủ quan, thiếu kiến thức, kỹ năng áp dụng pháp luật trong quá trình xử lý công việc” - UBND TP Đà Nẵng nhận định.
Nguyên nhân là nhiều CBCCVC chưa được đào tạo, bồi dưỡng bài bản về kiến thức và kỹ năng áp dụng pháp luật trong những lĩnh vực quản lý tương ứng với vị trí công tác.
Đà Nẵng cũng quy định điều kiện để CBCCVC tham gia học là phải có thời gian công tác từ đủ ba năm trở lên (không kể thời gian tập sự).
Thời gian công tác còn lại sau khi hoàn thành chương trình đào tạo văn bằng đại học thứ hai ngành luật phải đủ ít nhất từ 5-10 năm tính đến thời điểm nghỉ hưu theo quy định.
CBCCVC phải có ít nhất hai năm liên tục liền kề trước thời điểm được cử đi đào tạo được xếp loại chất lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
CBCCVC được hưởng trợ cấp tốt nghiệp một lần với kinh phí bằng 50% học phí (không bao gồm kinh phí phát sinh do học lại, thi lại) sau khi hoàn thành chương trình đào tạo.
Đà Nẵng cũng buộc CBCCVC cam kết làm việc tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trực thuộc TP quản lý trong thời gian ít nhất hai năm sau khi tốt nghiệp.
Trường hợp xin thôi việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc khi chưa đủ thời gian công tác theo cam kết thì phải đền bù toàn bộ kinh phí đã được nhận.
Chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo là rất cần thiết
Trình bày báo cáo thẩm tra tại kỳ họp, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng Lương Công Tuấn cho hay việc đào tạo văn bằng đại học thứ hai ngành luật xuất phát từ nhu cầu học tập, nâng cao trình độ của cá nhân CBCCVC.
Theo ông Tuấn, nhiều đơn vị thường xuyên khuyến khích CBCCVC tăng cường nghiên cứu, học tập, tìm hiểu sâu các quy định của pháp luật để áp dụng trong thực thi công vụ.
Tuy nhiên, việc không hỗ trợ kinh phí sẽ khó tạo động lực cho đội ngũ CBCCVC tham gia đào tạo. Do vậy, việc ban hành chính sách hỗ trợ này là rất cần thiết.
“Hỗ trợ đào tạo văn bằng đại học thứ hai ngành luật là chính sách riêng của TP. Lớp đào tạo do các trường đại học chuyên ngành về pháp luật có uy tín trên cả nước thực hiện, bảo đảm chất lượng đầu ra, phù hợp với chủ trương, định hướng và yêu cầu thực tiễn của Đà Nẵng” - ông Tuấn nói.
Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh cán bộ pháp chế của TP rất thiếu. Thời gian qua, các sai phạm, vi phạm cũng có một phần nguyên nhân của việc thiếu cán bộ pháp chế hoặc cán bộ am hiểu sâu về pháp luật.
Theo tờ trình vừa được HĐND TP Đà Nẵng thông qua, thời gian đào tạo văn bằng đại học thứ hai ngành luật khoảng 2,5 năm, học ngoài giờ hành chính.
Mức học phí toàn khóa học tham khảo tại Trường Đại học Luật Hà Nội là khá lớn, khoảng 75 triệu đồng. Qua tổng hợp, có hơn 60 CBCCVC tại Đà Nẵng đăng ký nhu cầu đào tạo để đáp ứng yêu cầu công việc chuyên môn.