Dải bê tông trên đường dẫn gây tai nạn không có trong luật

Khu 2 cũng lý giải việc đặt dải bê tông là để ngăn ô tô đi vào làn xe máy, chống ùn tắc vì nhiều tài xế chạy xe vào làn đường này khi xảy ra ùn ứ ở khu vực và đây là biện pháp mang tính chất cưỡng bức. Đơn vị này cũng cho là “đã thực hiện đầy đủ” về biển báo, cảnh báo theo Quy chuẩn 41:2016 và đang chờ công an kết luận vụ tai nạn…

Tuy nhiên, trong quy chuẩn mà Khu 2 viện dẫn không hề có quy định nào về việc đặt dải bê tông như trên.

Nếu xem dải bê tông đặt ở làn đường xe máy là dải phân cách thì không đúng. Nó không rơi vào trường hợp nào của Quy chuẩn 41, bởi quy chuẩn chỉ quy định các loại dải phân cách phân chia các làn đường chứ không hề đề cập dải phân cách để phân chia ngay trong làn xe máy.

Còn nếu xem dải bê tông là rào chắn thì càng không đúng. Bởi lẽ rào chắn chỉ áp dụng trong các trường hợp xử lý tai nạn; thi công trên đoạn đường… và bắt buộc phải có người ứng trực để điều tiết giao thông bên cạnh các biển báo, cảnh báo… theo quy định của Quy chuẩn 41.

Khu 2 thừa nhận đã đặt dải bê tông nêu trên từ hai năm trước để chống ùn tắc và không hề có người nào đứng điều tiết theo quy định.

Rào chắn không phải, dải phân cách cũng không phải. Cách khác, dải bê tông này hoàn toàn không có tên trong quy chuẩn mà Khu 2 viện dẫn nên chẳng biết gọi tên nó là gì.

Đành rằng TP.HCM, đặc biệt là khu vực đường dẫn lên cao tốc thường xảy ra ùn tắc nên cơ quan quản lý phải tìm mọi biện pháp để giải bài toán này. Và đúng như mục đích của đơn vị đặt dải bê tông là trong hai năm qua, cùng với nhiều biện pháp khác thì việc đặt dải bê tông đã phát huy hiệu quả, không xảy ra trường hợp đáng tiếc nào, trừ trường hợp của thanh niên xấu số trong chiều tối 12-3.

Tuy nhiên, trên nguyên tắc là Nhà nước chỉ làm những gì pháp luật quy định thì việc đặt dải bê tông này là sự sáng tạo không được phép.

Đơn vị quản lý không thể vì chuyện một số ít tài xế thiếu ý thức chạy vào làn đường xe máy mà dựng lên “cái bẫy” cho người đi xe máy dù “hai năm qua không có sự cố đáng tiếc nào” như viện dẫn của Khu 2.

Luật pháp, quy định, quy chuẩn… là nhằm bảo vệ trước hết an toàn tính mạng của con người. Trong khi cơ quan chức năng bổ sung, điều chỉnh quy chuẩn, đưa ra các biện pháp thì việc dẹp ngay các dải bê tông nguy hiểm bằng các biện pháp được quy định là điều cần làm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới