Ngày 19-4, đã có hai sinh viên và một cảnh sát thiệt mạng trong cuộc đại biểu tình chống đối, đòi lật đổ Tổng thống Nicolas Maduro diễn ra khắp Venezuela. Tổng cộng từ đầu tháng 4 đến nay đã có tám người chết vì biểu tình.
Những ngày qua, Venezuela náo động vì các cuộc biểu tình chống đối Tổng thống Maduro trong bối cảnh nước này nhiều năm dài phải vật lộn với khủng hoảng kinh tế gây đói kém nghiêm trọng.
Người biểu tình xung đột với cảnh sát tại San Cristobal, tỉnh bang Bolivar (Venezuela) ngày 19-4. Ảnh: REUTERS
Kinh tế Venezuela phụ thuộc lớn vào xuất khẩu dầu. Việc giá dầu rớt thảm năm 2014 và đến giờ vẫn chưa hồi phục khiến chính phủ nước này lâm vào thế thiếu tiền để duy trì hệ thống trợ cấp của mình cũng như không còn khả năng kiểm soát giá cả. Venezuela đã ở trong tình trạng khủng hoảng kinh tế, dẫn đến thiếu thốn thực phẩm, hàng tiêu dùng, đói kém trầm trọng từ năm 2014 đến nay. Vì thực trạng này, rất nhiều cuộc biểu tình đã xảy ra. Người biểu tình lên án ông Maduro phá hoại dân chủ, đưa kinh tế đất nước vào hỗn loạn.
Cảnh sát đưa một đồng nghiệp bị thương trong xung đột với người biểu tình đi cấp cứu tại San Cristobal, tỉnh bang Bolivar (Venezuela) ngày 19-4. Ảnh: REUTERS
Biểu tình mạnh lên nhiều từ đầu tháng 4, sau quyết định khôi phục quyền lực của phe đối lập ở Quốc hội của Tòa Tối cao hồi tháng 3, vì áp lực quốc tế.
Trong cuộc đại biểu tình khắp Venezuela ngày 19-4, riêng tại thủ đô Caracas quy mô lên đến hàng trăm ngàn, diễn ra ở hơn 20 địa điểm. Thật ra tại Caracas có đến hai làn sóng biểu tình diễn ra cùng lúc, một của số đông phản đối ông Maduro, một của một bộ phận người ủng hộ ông Maduro và xung đột giữa hai bên đã xảy ra.
“Chúng tôi buộc phải biểu tình vì đất nước này đang chết vì đói” - Reuters dẫn lời một người biểu tình.
Một người biểu tình bị thương tại San Cristobal, tỉnh bang Bolivar (Venezuela) ngày 19-4. Ảnh: REUTERS
Một nam sinh viên bị bắn chết tại thủ đô Caracas. Một nữ sinh viên bị bắn chết ở San Cristobal (tỉnh bang Bolivar, biên giới với Colombia). Một cảnh sát bị bắn tỉa chết ở tỉnh bang Miranda. Ngoài ra có hơn 400 người bị bắt.
Tổng thống Maduro lên án các cuộc biểu tình là nỗ lực của phe đối lập muốn đảo chính chấm dứt chủ nghĩa xã hội ở Venezuela. Trong khi đó phe đối lập cáo buộc ông Maduro đã trở thành nhà độc tài, gieo rắc bạo lực và sợ hãi. Lãnh đạo phe đối lập Henrique Capriles tiếp tục kêu gọi biểu tình vào ngày 20-4 (giờ Venezuela).
Người biểu tình xung đột với cảnh sát tại thủ đô Caracas (Venezuela) ngày 19-4. Ảnh: REUTERS
Cuộc đại biểu tình và thương vong ngày 19-4 gợi nhớ đến các cuộc xung đột giữa những người phản đối và ủng hộ chính phủ năm 2002, dẫn tới một cuộc đảo chính nhỏ nhằm lật đổ Tổng thống Hugo Chavez nhưng bất thành.
Người biểu tình ném lựu đạn cay về phía cảnh sát tại thủ đô Caracas (Venezuela) ngày 19-4. Ảnh: REUTERS
Reuters đưa ý kiến một số nhà phân tích nhận định không có nhiều khả năng xảy ra đảo chính ở Venezuela, một phần nhờ tính răn đe từ dư âm cuộc thanh trừng rất nghiêm khắc các phần tử đảo chính năm 2012 do cố Tổng thống Chavez thực hiện.