Đại gia sản xuất nam châm muốn mở nhà máy tại Việt Nam

(PLO)- Trữ lượng đất hiếm hàng đầu thế giới của Việt Nam đang hấp dẫn giới đầu tư khắp toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hãng tin Reuters vừa cho biết, các đại gia sản xuất nam châm từ Hàn Quốc và nhà cung cấp của Apple đang có kế hoạch mở nhà máy tại Việt Nam.

Sức hấp dẫn của Việt Nam nằm ở trữ lượng đất hiếm để sản xuất nam châm. Nam châm được xem là cốt lõi cho các ngành sản xuất xe điện, pin điện, điện thoại thông minh.

Ngoài ra, các nhà sản xuất nam châm cũng bị thu hút đến Việt Nam bởi chi phí lao động thấp và khả năng tiếp cận thị trường nhờ nhiều hiệp định thương mại tự do. Họ cũng muốn tiếp cận gần hơn với các khách hàng đã hoạt động tại Việt Nam, chẳng hạn như các nhà sản xuất ô tô và đồ điện tử.

Các chuyên gia cho biết, trữ lượng đất hiếm của Việt Nam hầu như chưa được khai thác nhiều khiến Việt Nam trở thành nước cạnh tranh lớn với Trung Quốc, một nước hàng đầu về trữ lượng và sản xuất đất hiếm.

Thống kê của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ cho thấy, Việt Nam chỉ sản xuất 1% nam châm trên thế giới, so với 92% của Trung Quốc.

Nguồn tin Reuters cho biết, Star Group Industrial (SGI) của Hàn Quốc và Baotou INST Magnet, một nhà cung cấp của Apple là những đơn vị đã thiết lập kế hoạch mở nhà máy tại Việt Nam.

Dự án SGI Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 sản xuất sản lượng 5.000 tấn nam châm cao cấp mỗi năm, đủ cung cấp cho 2 triệu ô tô điện.

INST dự kiến bắt đầu hoạt động vào đầu tháng 9 tại khu vực phía Bắc. Đây là một công ty sản xuất nam châm cung cấp cho máy tính, điện thoại thông minh.

Một công ty Nhật là Shin-Etsu Chemical đã hoạt động từ năm 2017 tại Việt Nam cũng quyết định mở rộng công suất sản xuất nam châm lên gấp đôi là 2.200 tấn.

Theo Hãng nghiên cứu Statista (Đức), tính đến cuối năm 2022, Trung Quốc đứng thứ nhất thế giới về trữ lượng khoáng sản đất hiếm với 44 triệu tấn. Việt Nam đứng thứ hai với 22 triệu tấn và thứ ba là Brazil là 21 triệu tấn. Đất hiếm đóng vai trò rất quan trọng trong các ngành công nghiệp công nghệ cao.

Reuters

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm