Ông lang K. có mối quan hệ rất rộng, đặc biệt là với giới săn bắt, buôn bán động vật hoang dã. Khắp vùng Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn… hễ đám thợ săn được con gì lạ, quý, chẳng hạn như hổ, gấu, mèo rừng, cầy hương… người đầu tiên đám đầu nậu gọi là ông lang K.
Ông lang K. kể: “Mình mua hổ gấu thì quá dễ dàng. Rắn rết xưa nay đã xơi đủ loại, nhưng để sở hữu đại hổ chúa khổng lồ thế này, thì đúng là giời cho”.
Theo ông lang K. cách đây hơn tháng, đang ngủ, lúc 12 giờ đêm, thì một đầu nậu buôn rắn ở huyện phía Bắc của Tuyên Quang gọi điện, bắt được một con hổ chúa khổng lồ, to chưa từng thấy.
Ăn thịt hổ chúa nặng vài kg là chuyện thường ngày, nên khi nghe thấy rắn hổ chúa, ông lang K. không hào hứng lắm. Nhưng, hổ chúa nặng đến 23kg, thì đúng là người sành rắn cũng không tin nổi.
Ngay trong đêm, ông lang K. tự lái xe, chạy gần trăm cây số, tìm đến nhà đầu nậu nọ. Đến nơi, dù 3 giờ sáng, vẫn có cả chục người tụ tập ở nhà đầu nậu V. Nhà đầu nậu V. ở gần thị trấn, bên bìa rừng.
Thông tin tóm được hổ chúa ầm ĩ cả vùng, nhưng tuyệt nhiên không ai biết đại hổ chúa bị đưa đi đâu. Người dân huyện ấy hào hứng kể chuyện. Người thì bảo đó là rắn thần, to bằng cột đình, người khẳng định là trăn, chứ rắn không thể nào to, dài như thế.
Có thể thông tin bắt được rắn khủng cũng đến tai kiểm lâm, nhưng đầu nậu V. biết cách ém nhẹm thông tin hết. Đến hổ, báo, gấu, thậm chí bò tót, đầu nậu V. còn thu gom, buôn bán được, nói gì đến một con rắn. Mà thực ra, kiểm lâm cũng chẳng tin được chuyện rắn hổ chúa to bằng cột đình như lời đồn, hay chính xác hơn là bằng thân cây cau bị tóm. Chuyện rõ là ầm ĩ, nhưng kể miệng với nhau thì lại chẳng ai tin.
Đến nơi, ông lang K. nhìn thấy cái bao tải lùm lùm giữa sân. Hai tay bóp thân đại hổ chúa sau lớp bao tải mà không hết. Đại hổ chúa oằn mình trườn trong bao cực kỳ dũng mãnh. Đầu nậu V. cùng mấy thanh niên trai tráng mở bao, tóm cổ đại hổ chúa kéo ra ngoài. Nhìn hổ chúa, ông lang K. dựng tóc gáy, muốn ngất xỉu. Người cầm đầu, người tóm đuôi, người đè thân, kéo đại hổ chúa thẳng đuột, dài tới 8m, gần bằng mặt tiền ngôi nhà đầu nậu V. ở. Theo lời đầu nậu V., sáng hôm đó, một chiếc máy xúc húc núi làm con đường liên xã. Chỗ đó là núi đất, lẫn đá vôi. Khi máy xúc múc đất, lộ ra một cái hang nhỏ. Một con mãng xà phì phì, trườn ra ngoài, ngóc đầu dựng thân trước gầu múc. Anh chàng lái máy múc nhìn thấy mãng xà khổng lồ, thì hét lớn, mặt cắt không còn giọt máu, rồi bỏ máy chạy thoát thân. Nghe tin ấy, nhiều người kéo đến khu vực, với dao cuốc săn tìm mãng xà. Nhiều thợ săn rắn quanh vùng cũng tìm đến, đào bới, lục tìm quanh quả núi. Một nhóm thợ săn đã tóm được mãng xà khổng lồ, khi nó ẩn náu trong một hốc cây cổ thụ mục nát. Đầu nậu V. phát giá 100 triệu đồng cho mãng xà nặng 23kg, ông lang K. gật luôn, không mặc cả đồng nào. Bao tải chứa đại hổ chúa quẳng lên thùng xe, chở về ngôi nhà sàn trên mỏm đồi xã X. của Tuyên Quang, đại bản doanh của ông lang K.
Chuyện ông lang K. mua được hổ chúa khổng lồ hoàn toàn bí mật. Người dân quanh xóm không ai biết. Ông lang K. chỉ tiết lộ với những người thân cận nhất, những người giữ được mồm miệng. Ông lang K. bảo: “Tham vọng của mình là muốn xây dựng một khu nuôi nhốt ở triền đồi trước nhà. Mảnh đất ấy rộng khoảng 1000 mét vuông. Mình sẽ dựng rào thép kín, tạo môi trường hoang dã, rồi thả đại hổ chúa vào, cho người dân chiêm ngưỡng, cho các nhà nghiên cứu tìm hiểu và muốn khẳng định với thế giới rằng, rắn hổ chúa ở Việt Nam lớn nhất thế giới. Thế nhưng, tiếc rằng, dù đã dùng đủ mọi cách, con rắn này vẫn không chịu ăn, chết dần chết mòn trong chuồng nuôi. Mình đã nhờ vả nhiều thợ nuôi rắn và họ cũng bó tay. Rắn hổ chúa nuôi từ nhỏ thì dễ, chứ rắn khủng thế này, thì rất khó nuôi. Ngay cả những chuyên gia nuôi hổ chúa, cũng khẳng định trong đời chưa được tận mắt hổ chúa nào to như vậy. Đám thợ rắn đều khẳng định, con mãng xà này phải trăm năm tuổi mới lớn được như thế”.
Bể rượu hổ chúa nhìn từ phía sau.
Theo ông lang K. khi mãng xà không chịu ăn, yếu ớt, ông đã quyết định… làm thịt. Riêng bộ lòng, xào được mấy món, đủ một mâm nhậu cho mấy người. Phải mất tới 100 lít rượu mạnh để rửa sạch mãng xà. Thêm ngàn lít nữa đổ đầy bể, ngập thân rắn. Ngoài đại mãng xà, thì trong bể rượu ấy còn có mấy hổ chúa nhỏ bằng chiếc điếu cày, trang trí thêm con hoẵng nhỏ cùng chú kỳ đà. Ông lang K. giữ bình rượu mãng xà làm kỷ niệm, chứng nhận sự tồn tại của đại hổ chúa ở Việt Nam, chứ không có ý định uống thứ rượu ngâm từ mãng xà. Bởi với ông, thảo dược tốt hơn nhiều thứ rượu ngâm động vật.