Sáng ngày 27-7, tại Trường Đại học GTVT TP.HCM (UTH) đã diễn ra buổi lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Đại học GTVT TP.HCM, Công ty Quản lý và vận hành Giao thông thông minh CRRC và Viện Công nghệ đường sắt Nam Kinh.
Tham dự buổi lễ có ông Lý Hiểu Tranh (Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch - Tổng giám đốc Công ty Quản lý và vận hành giao thông thông minh), ông Tào Quốc Hồng (Phó viện trưởng Đường sắt Nam Kinh), PGS.TS Nguyễn Xuân Phương (Hiệu trưởng Trường Đại học GTVT TP.HCM),...
Mục tiêu chung là đào tạo nhân lực chất lượng cao
Theo Trường Đại học GTVT TP.HCM, việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực đường sắt - metro là một trong những nhiệm vụ chính mà Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam đã đề ra. Đây cũng là trường đại học đầu tiên của Việt Nam đào tạo và tiếp cận công nghệ đường sắt tốc độ cao, đường sắt Metro.
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Xuân Phương, Hiệu trưởng Nhà trường khẳng định, chương trình ký kết hợp tác hôm nay là hoạt động nhằm thực hiện chủ trương của lãnh đạo hai nước Việt Nam – Trung Quốc.
"Thông qua việc hợp tác này, tôi kỳ vọng các bên có thể chia sẻ những kinh nghiệm, hiểu biết quý báu nhằm tối ưu hoá nguồn lực sẵn có, kết hợp chủ động tiếp nhận chuyển giao công nghệ thông qua hợp tác dự án, góp phần kiến tạo và kết nối hệ sinh thái dạy học - thực hành - làm việc trong lĩnh vực đường sắt và metro.", ông Phương chia sẻ.
Việc ký kết được xem là nền tảng để góp phần phát triển và hoàn thiện sức mạnh nội lực về đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành đường sắt tốc độ cao và metro của Việt Nam, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường Đại học GTVT TP.HCM và chuyển giao công nghệ trong tương lai, đặc biệt là đón đầu xu thế xây dựng hệ thống đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao ở Việt Nam, các công nghệ mới trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Hợp tác trong nhiều lĩnh vực
Trường Đại học GTVT TP.HCM và CRRC hướng đến hợp tác nghiên cứu khoa học trọng điểm với dự án trung tâm vận hành tổng kết nối các tiêu điểm trung tâm của từng ga, tuyến khác nhau.
Qua đó, đảm bảo mặc dù các tuyến metro có thể được xây dựng bởi nhiều công nghệ và tiêu chuẩn khác nhau nhưng đều được điều khiển thông suốt và nhịp nhàng bởi một hệ thống đầu não.
Ngoài ra, hai bên hợp tác phát triển chương trình đào tạo bảo trì và vận hành, vận hành sau tiếp cận công trình nhằm trực tiếp phục vụ nhu cầu thực tế của tuyến Metro số 1 tại TP.HCM; nghiên cứu mô hình phát triển TOD; tư vấn giải pháp vận hành giao thông thông minh.
Hai bên sẽ hợp tác trong trong lĩnh vực như vận hành đường sắt kỹ thuật số, đưa vào vận hành chung toàn diện, vận hành và bảo dưỡng thông minh, thành lập phòng thí nghiệm chung và đào tạo nhân sự vận hành, nghiên cứu chuyên sâu về hoạt động quản lý vận hành đường sắt tiên tiến và phát triển giao thông thông minh.
“Sự hợp tác mà chúng tôi sắp ký kết ngày hôm nay không chỉ bao gồm chia sẻ tài nguyên và các lợi ích bổ sung mà còn bao gồm việc hiện thực hoá giá trị và kỳ vọng kết quả đạt được.
Sau khi ký kết, chúng ta sẽ trở thành một tổng thể, cùng nhau thúc đẩy, xây dựng TP.HCM. Đồng thời, hệ thống hợp tác đổi mới, sáng tạo kết hợp các nguồn lực của ngành công nghiệp, các trường đại học, các tổ chức nghiên cứu khoa học để hình thành mối quan hệ hợp tác toàn diện, chặt chẽ và đổi mới.”, ông Lý Hiểu Tranh - Tổng giám đốc Công ty Quản lý và vận hành giao thông thông minh CRRC nhận định.
Đặc biệt, theo bản ghi nhớ hợp tác, Trường Đại học GTVT TPHCM và Viện công nghệ đường sắt Nam Kinh trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển, vận hành và số hoá chương trình đào tạo ngành đường sắt theo mô hình đặt hàng cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong nước và khu vực.
Hai bên hợp tác giảng dạy ngôn ngữ và chương trình tiếng Trung và đào tạo kỹ năng nghề.
Ngày 26-7, Trường ĐH GTVT TP.HCM và Hiệp hội Metro Trung Quốc đã thảo luận và trao đổi các cơ hội hợp tác giữa hai bên.
Theo đó, hai bên đã thảo luận về mục tiêu của hợp tác nhằm xây dựng hệ thống bảo trì, vận hành và vận hành sau tiếp nhận công trình metro, đặc biệt tuyến metro số 1 tại TP.HCM; hợp tác nghiên cứu và nội địa hóa tiêu chuẩn xây dựng metro tại TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung thành 3 cấp độ: tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn ngành nghề và tiêu chuẩn địa phương, tương ứng 4 nội dung: Xây dựng, vận hành, trang thiết bị và phát triển TOD.
Các nội dung cụ thể này sẽ được hiện thức hóa bằng các dự án khoa học trọng điểm, do nhóm nghiên cứu của UTH và chuyên gia của Hiệp hội Metro Trung Quốc triển khai.