Ngày 2-11, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (ĐHĐ LHQ) thông qua nghị quyết phản đối Mỹ cấm vận kinh tế Cuba. Theo kết quả bỏ phiếu, 187 nước bỏ phiếu thuận, 2 nước bỏ phiếu chống (Mỹ và Israel), 1 nước bỏ phiếu trắng là Ukraine, và 3 nước không bỏ phiếu là Somalia, Venezuela và Moldova, theo hãng tin AP.
Trong nghị quyết, ngoài việc bày tỏ sự quan ngại trước việc Mỹ duy trì cấm vận Cuba, ĐHĐ LHQ kêu gọi các nước đang áp dụng các biện pháp cấm vận tương tự “thực hiện các bước cần thiết để bãi bỏ hoặc vô hiệu hóa chúng càng sớm càng tốt”.
Trước phiên bỏ phiếu, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba - ông Bruno Rodriguez kêu gọi ĐHĐ LHQ làm theo “lý trí và công lý”, ủng hộ Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế.
Ông Rodriguez cho biết lệnh cấm vận của Mỹ đặt ra “các biện pháp cưỡng chế đơn phương tàn khốc và lâu dài nhất đối với một quốc gia” và nó cấu thành “hành động chiến tranh kinh tế trong thời bình”.
Ông Rodriguez khẳng định chưa có dân tộc nào phải đối mặt với “sự thù địch lâu dài và có hệ thống như vậy từ một cường quốc. Dù vậy, Cuba sẽ tiếp tục đổi mới chính mình và xây dựng một quốc gia có chủ quyền, độc lập, xã hội chủ nghĩa, dân chủ, thịnh vượng và bền vững”.
Lệnh cấm vận được Mỹ áp đặt lên Cuba vào năm 1960.
Dưới thời của Tổng thống Barack Obama, Mỹ đã chính thức khôi phục quan hệ với Cuba vào tháng 7-2016. Cùng năm đó, lần đầu tiên Mỹ bỏ phiếu trắng đối với dự thảo nghị quyết kêu gọi chấm dứt lệnh cấm vận đối với Cuba.
Tuy nhiên, trong giai đoạn Tổng thống Donald Trump cầm quyền, Mỹ quay lại bỏ phiếu chống đối với các dự thảo nghị quyết tương tự.
Theo AP, các nghị quyết của ĐHĐ LHQ không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý nhưng chúng phản ánh ý kiến của các nước thành viên. Năm 2022, 185 nước đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết phản đối Mỹ cấm vận kinh tế Cuba.