Đại Hội đồng LHQ thông qua nghị quyết yêu cầu 5 nước thường trực HĐBA nêu lý do mỗi lần dùng quyền phủ quyết

(PLO)- 193 thành viên Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đồng thuận thông qua nghị quyết yêu cầu năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an phải đưa ra lý do cho việc sử dụng quyền phủ quyết.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 26-4, 193 thành viên của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) đã đồng thuận thông qua một nghị quyết yêu cầu năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an (HĐBA) phải đưa ra lý do cho việc sử dụng quyền phủ quyết của mình, theo hãng tin Al Jazeera.

Giải thích nếu dùng quyền phủ quyết

Được đề xuất lần đầu tiên cách đây hơn hai năm, nghị quyết quy định Đại Hội đồng LHQ sẽ được triệu tập trong vòng 10 ngày sau khi có thành viên thường trực HĐBA dùng quyền phủ quyết, để “tổ chức một cuộc tranh luận về tình hình mà quyền phủ quyết được thực hiện” - theo văn bản của Đại Hội đồng LHQ.

Một cuộc họp của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc. Ảnh: AFP

Một cuộc họp của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc. Ảnh: AFP

Nghị quyết không có tính ràng buộc và không có gì ngăn cản một quốc gia đã sử dụng quyền phủ quyết của mình từ chối giải thích các hành động của mình trước Đại hội đồng LHQ. Tuy nhiên, việc áp dụng nó “sẽ làm sáng tỏ” về việc sử dụng quyền phủ quyết và về những “tắc nghẽn” trong HĐBA, một đại sứ giấu tên cho biết.

Đại Hội đồng LHQ không bắt buộc phải thực hiện hoặc cân nhắc bất kỳ hành động nào, nhưng cuộc thảo luận có thể cho phép nhiều quốc gia khác được lắng nghe lý do nếu một vấn đề không được thông qua.

Chưa rõ liệu nghị quyết của Đại Hội đồng LHQ sẽ khiến năm thành viên thường trực sẽ sử dụng quyền phủ quyết ít hơn hay nhiều hơn.

"Không nhắm vào Nga"

Quốc gia nêu đề xuất về việc này là Liechtenstein. Đại sứ của Liechtenstein tại LHQ - ông Christian Wenaweser nói biện pháp này sẽ “tạo ra một thủ tục mới”.

“Nó không nhằm chống lại Nga” - ông nói, mặc dù thực tế là đề xuất được nhắc lại vì nhiều người cho rằng HĐBA đã không thể lên án chiến dịch của Nga ở Ukraine vì quyền phủ quyết của Moscow.

Gần 100 quốc gia đã ủng hộ nước này thúc đẩy cuộc cải cách, bao gồm Mỹ, Anh và Pháp. Việc tập hợp sự ủng hộ nhanh chóng như vậy đã gây ra sự bất ngờ ở Đại Hội đồng LHQ.

Ông Wenaweser cho biết văn bản nhằm “thúc đẩy vai trò của LHQ, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và thúc đẩy tiếng nói của tất cả chúng ta, những người không có quyền phủ quyết và không thuộc HĐBA về các vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế”.

Theo quan điểm của Mỹ, Nga đã lạm dụng quyền phủ quyết của mình trong hai thập niên và văn bản được đề xuất nhằm khắc phục tình hình.

Tuy nhiên, cả Nga và Trung Quốc đều không nằm trong số các nước ủng hộ. Một nhà ngoại giao của một trong hai nước, đã chỉ trích động thái này, nói rằng nó sẽ "chia rẽ" LHQ hơn nữa.

Số lần dùng quyền phủ quyết của 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo An LHQ. Ảnh: AL JAZEERA

Số lần dùng quyền phủ quyết của 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo An LHQ. Ảnh: AL JAZEERA

Cho đến nay, hơn 200 đề xuất khác nhau của HĐBA đã bị phủ quyết, một số do nhiều quốc gia phủ quyết. Cho đến nay, Liên Xô và nước kế nhiệm là Nga dùng nhiều quyền phủ quyết nhất, tiếp theo là Mỹ. Anh, Trung Quốc và Pháp ít khi sử dụng quyền này.

Việc cải tổ HĐBA, cơ quan chịu trách nhiệm bảo đảm hòa bình và an ninh quốc tế theo Hiến chương LHQ, đã được thảo luận và tranh luận trong hơn 40 năm nay.

Việc này một lần nữa nóng lên và thật sự được chú ý sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Theo một đại sứ yêu cầu được giấu tên, biện pháp này nhằm khiến những bên có quyền phủ quyết gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Pháp và Anh "phải trả một cái giá chính trị cao hơn".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm