Cơ quan Đài Loan ngày 21-8 đã đáp trả cáo buộc của Trung Quốc rằng hòn đảo này đã trả tiền cho việc công bố bức ảnh gây tranh cãi trong nhiều ngày qua về chuyến thăm của Đại sứ Trung Quốc Đường Tùng Căn tới một hòn đảo thuộc Kiribati.
Theo đài Radio Taiwan International, bức ảnh nói trên do Drew Pavlou, một nhà hoạt động sinh viên 21 tuổi người Úc có quan điểm chỉ trích Bắc Kinh, công bố. Pavlou nổi tiếng với việc tổ chức các cuộc biểu tình đòi dân chủ cho Hong Kong hồi tháng 7-2019.
Bức ảnh được chụp trên đảo Marakei của Kiribati, cho thấy một hàng cư dân địa phương nằm úp mặt xuống đất để làm thành tấm thảm người cho đại sứ Trung Quốc bước lên với sự giúp đỡ của hai phụ nữ bản địa ở hai bên.
Bức ảnh chụp lễ đón đại sứ Trung Quốc gây bão mạng. Ảnh: RADIO TAIWAN INTERNATIONAL
Theo trang tin News.com, Bộ trưởng Môi trường Kiribati Ruateki Tekaiara có mặt trong chuyến thăm của ông Đường đến các trường học và nhà thờ. Ông nói các trưởng lão địa phương đã tổ chức lễ đón đại sứ Trung Quốc và đó là “văn hóa đặc biệt” độc đáo của đảo này.
Về phần mình, Đại sứ quán Trung Quốc cho hay đại sứ của họ đã thăm đảo để tìm hiểu về văn hóa và truyền thống của Kiribati.
Tuy nhiên, bức ảnh đã làm dấy lên những tranh cãi trên mạng. Một số người ở Kiribati nói rằng bức ảnh cho thấy một buổi lễ đón tiếp là một phần văn hóa của đảo Marakei và có thể được nhìn thấy tại các đám cưới. Tuy nhiên, một số nhà bình luận đã đặt câu hỏi về sự phù hợp của việc Đại sứ Trung Quốc tham gia một buổi lễ như vậy.
Ngay sau khi bức ảnh xuất hiện trên các phương tiện truyền thông Úc và nhiều nước khác, Trung Quốc cáo buộc Đài Loan trả tiền cho Pavlou để công bố bức ảnh này với ý định gây tổn hại mối quan hệ mới được thiết lập gần đây với Kiribati.
Hôm 21-8, phát ngôn viên cơ quan ngoại giao Đài Loan Âu Giang An khẳng định Đài Loan chưa bao giờ có bất kỳ liên hệ nào với Pavlou. Bà gọi cáo buộc của Bắc Kinh là một “lời nói dối công khai” và đã lên án cáo buộc này, theo Radio Taiwan International.
Sự việc xảy ra sau khi Kiribati đột nhiên chuyển quan hệ ngoại giao với Đài Loan sang Trung Quốc vào tháng 9-2019, trong một bước đi gây tranh cãi về tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực Thái Bình Dương. Từng là thuộc địa của Anh, bao gồm ba quần đảo nằm trên một khu vực đại dương có diện tích bằng Ấn Độ, Kiribati được cho là có vai trò chiến lược quan trọng.
Mỹ năm ngoái đã bày tỏ quan ngại với việc Kiribati bất ngờ cắt đứt quan hệ 17 năm với Đài Loan. Quân đội Mỹ cũng lo ngại khả năng Kiribati cho phép Trung Quốc xây dựng các công trình lưỡng dụng trên đảo Christmas, cách quần đảo Hawaii của Mỹ khoảng 2.000 km.
Kiribati đã hợp tác phát triển hạ tầng đánh bắt cá với một công ty Trung Quốc trên đảo Christmas nhưng Tổng thống Kiribati – ông Taneti Maamau cho biết chính phủ đảo quốc này “không có ý định hay kế hoạch cho phép Trung Quốc thiết lập một căn cứ phụ tại Kiritimati (đảo Christmas)”.