Sáng 12-7, Bộ Công an, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học “Đại tướng Mai Chí Thọ với lực lượng Công an nhân dân Việt Nam và Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM”.
Hơn 500 đại biểu tham dự hội thảo bao gồm lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các vị lão thành cách mạng, các nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử...
Đồng chí Mai Chí Thọ, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, dự khai giảng năm học 1977-1978 của Trường Lý Tự Trọng hồi tháng 9 -1977. |
Đồng chí Mai Chí Thọ, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, làm việc với cán bộ, hội viên nông dân tại vườn rau Tân Thắng, quận Tân Bình. Ảnh: Trung tâm Thông tin triển lãm TP.HCM |
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: THANH TUYỀN |
Vị đại tướng đổi mới toàn diện ngành công an
Nhắc về Đại tướng Mai Chí Thọ, ông Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, nói rằng suốt 71 năm tham gia hoạt động cách mạng, 68 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng, trưởng thành từ phong trào học sinh, sinh viên đến giữ trọng trách ủy viên Bộ Chính trị, bộ trưởng Bộ Nội vụ, đại tướng đầu tiên của Công an nhân dân Việt Nam, ở bất kỳ vị trí công tác nào Đại tướng Mai Chí Thọ cũng luôn thể hiện là người lãnh đạo giàu kinh nghiệm, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên cường, dũng cảm, hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng.
“Đại tướng đã hết lòng cống hiến tâm, trí, lực vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đặc biệt là sự nghiệp bảo đảm an ninh trật tự. Tài năng, bản lĩnh, nhân cách đã đưa ông trở thành nhà lãnh đạo xuất sắc của lực lượng công an, góp phần xây dựng lực lượng công an ngày càng vững mạnh” - Bộ trưởng Tô Lâm nhận định.
Dấu ấn của Đại tướng Mai Chí Thọ thể hiện rõ trong việc chỉ đạo xây dựng lực lượng công an đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ vào những thời điểm lịch sử của cách mạng Việt Nam. Với tầm nhìn chiến lược và tư duy thực tiễn, Đại tướng luôn có chủ trương, biện pháp xây dựng lực lượng công an phù hợp, coi đây là nguồn sức mạnh, nguyên nhân của mọi thành công, thắng lợi.
Đại tướng Mai Chí Thọ đã tỏ rõ bản lĩnh của một người cách mạng, luôn đi sát thực tế, hiểu dân, nắm bắt khó khăn của dân.
“Dưới sự chỉ đạo của Đại tướng, ngành công an đã khắc phục được tình trạng nhiều bộ phận chồng chéo…, từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh, vững vàng trước các biến động về chính trị, tuyệt đối tin tưởng, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng” - Bộ trưởng Tô Lâm đánh giá và nói Đại tướng Mai Chí Thọ còn có vai trò quan trọng trong việc chỉ đạo kiện toàn tổ chức và hoạt động tình báo, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia trong thời kỳ mở cửa, hội nhập của đất nước.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, khi ở cương vị bộ trưởng Bộ Nội vụ trong thời kỳ đầu đổi mới đất nước, Đại tướng Mai Chí Thọ đã có vai trò to lớn trong đổi mới toàn diện các mặt công tác công an. Đại tướng cũng đã chỉ đạo thay đổi tư duy về công tác tổ chức, từng bước xây dựng, tạo hành lang pháp lý để lực lượng công an thực thi.
“Trước những diễn biến phức tạp của tình hình an ninh nông thôn mà nguyên nhân xuất phát từ tranh chấp đất đai, phản đối những việc làm sai trái của chính quyền cơ sở dẫn đến khiếu kiện kéo dài, đồng chí đã chỉ đạo đưa cán bộ biên chế trong công an huyện trực tiếp làm phó trưởng công an xã, thị trấn trên phạm vi toàn quốc. Việc tăng cường lực lượng xuống cơ sở theo chỉ đạo của Bộ trưởng Mai Chí Thọ đã kịp thời phát hiện, giải quyết nhiều vụ việc vi phạm, ngăn chặn phát sinh các điểm nóng về an ninh trật tự” - Bộ trưởng Tô Lâm kể lại.
Trong giai đoạn mới, khi trình độ phát triển khoa học - kỹ thuật công an còn thấp, phân tán, Đại tướng Mai Chí Thọ đã chỉ đạo thành lập cơ quan nghiên cứu khoa học của ngành như Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ, Ban nghiên cứu tổng kết lịch sử công an nhân dân…
Đại tướng Mai Chí Thọ (1922-2007, tên thật là Phan Đình Đống, bí danh: Năm Xuân). Ông tham gia phong trào sinh viên, thanh niên tại Nam Định, Hà Nội từ năm 1936; sau đó bị thực dân Pháp bắt và giam giữ tại nhiều nhà tù từ năm 1940-1945. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, ông từng đảm đương các vị trí quan trọng như giám đốc Công an TP.HCM, bí thư Thành ủy TP.HCM, bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), ủy viên Bộ Chính trị. Ông trở thành đại tướng công an nhân dân đầu tiên vào năm 1989.
Hội thảo lần này đã nhận được 104 tham luận của các nhà khoa học, đại diện các cơ quan Đảng, Nhà nước, các bộ, ban ngành ở trung ương và đại diện lãnh đạo một số tỉnh, TP trên phạm vi cả nước.
Suốt đời lo cho dân
Suốt đời mình, cha tôi luôn mong muốn người dân có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Cả đời ông chỉ theo đuổi một ước mơ đó và đã dốc sức cho hoài bão đó. Ông không để lại cho chúng tôi vật chất, của cải, tiền bạc mà là tình cảm gia đình vô cùng quý giá. Là con của ông, chúng tôi vô cùng tự hào và xúc động khi nhìn thấy tình cảm, sự trân trọng, ghi nhận của mọi người với những đóng góp của cha.
Bà PHAN THỊ THANH XUÂN,
con gái Đại tướng Mai Chí Thọ
Nhiều cống hiến cho TP.HCM
Đại tướng Mai Chí Thọ từng là phó bí thư, chủ tịch UBND TP, rồi bí thư Thành ủy TP.HCM từ tháng 12-1976 đến tháng 11-1986. Đây là giai đoạn TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung đứng trước những khó khăn chồng chất về kinh tế - xã hội.
Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu nhận định: Là một trong những lãnh đạo chủ chốt của TP trong giai đoạn phát triển không đơn giản và dễ dàng đó, Đại tướng Mai Chí Thọ đã tỏ rõ bản lĩnh của một người cách mạng, luôn đi sát thực tế, hiểu dân, kịp thời nắm bắt những khó khăn và nhu cầu cuộc sống của nhân dân đặt ra.
“Đại tướng có nhiều cống hiến trong công tác tổ chức, cán bộ, xây dựng nông thôn, xuất nhập khẩu và tiểu thủ công nghiệp TP. Có thể nói những cách nghĩ, cách làm đúng đắn, sáng tạo của lãnh đạo TP.HCM đã giải quyết được khó khăn, bức xúc của nhân dân, góp phần khôi phục kinh tế và phát triển lực lượng sản xuất, đổi mới cơ chế, chính sách bằng những việc làm cụ thể, có hiệu quả” - Phó Bí thư Nguyễn Văn Hiếu nói.
Ngay cả khi rời khỏi cương vị của mình, Đại tướng Mai Chí Thọ vẫn luôn gần gũi với người dân. Ông tập trung nhiều thời gian hơn cho việc giúp dân, những việc mà trước đây do bận công tác chưa kịp làm.
“Đại tướng đã trở thành người bạn gần gũi, thân thiết của các gia đình có công với cách mạng, của đồng bào nghèo, đồng bào có hoàn cảnh khó khăn, của các cháu gia đình nghèo hiếu học” - ông Nguyễn Văn Hiếu nói.
Đại tướng Mai Chí Thọ còn là người rất tâm đắc với công tác xóa đói giảm nghèo. Ông từng có thời gian làm cố vấn cho Ban xóa đói giảm nghèo, lặn lội xuống cơ sở, gặp dân.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên khẳng định hơn 70 năm hoạt động cách mạng sôi nổi, hình ảnh đọng lại trong lòng nhân dân, cán bộ, chiến sĩ về Đại tướng là một lãnh đạo gần gũi, thân thương, chí tình chí nghĩa.
Ông nhấn mạnh thêm: “Di sản của cố bộ trưởng để lại khó mà kể hết được. Nhưng có thể nói với cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng công an nhân dân, những gì đọng lại nhiều nhất về đồng chí là một nhân cách lớn, phẩm chất đạo đức trong sáng, tấm lòng yêu nước, thương dân sâu sắc. Tính cách mạnh mẽ, bộc trực nhưng đầy lòng nhân ái, vị tha, tình yêu thương con người, hết lòng vì cuộc sống bình an, hạnh phúc của nhân dân”.
Phó Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ: Noi gương Đại tướng, các thế hệ ngày nay trên toàn TP quyết tâm nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung, vì sự phát triển.•
Noi gương để trui rèn bản lĩnh
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định: Đại tướng Mai Chí Thọ là nhà lãnh đạo xuất sắc của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam. Những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, quyết sách của Đại tướng luôn thể hiện tính Đảng sâu sắc, tính cách mạng triệt để, tính dân tộc và tính thời đại, để lại những kinh nghiệm quý báu cho lực lượng công an, cho sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Với tình hình an ninh trật tự còn nhiều khó khăn thời gian tới, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh toàn lực lượng công an nguyện noi gương các thế hệ đi trước để trui rèn bản lĩnh.