Đắk Lắk: 'Cán bộ nói phải, mình nộp súng ngay'

(PLO)- Chỉ trong thời gian ngắn, Công an tỉnh Đắk Lắk đã thu hồi hàng ngàn súng, đạn, vật liệu nổ nhờ kết hợp nhiều lực lượng, nhiều cách làm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM,Thiếu tướng Lê Vinh Quy, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết thời gian qua, công an tỉnh đã có nhiều cách làm, thuyết phục người dân tự nguyện giao nộp hàng ngàn súng, đạn.

“Mình không giữ súng trong nhà nữa, nguy hiểm lắm!”

Từ sáng sớm, ông Ma Su (48 tuổi, ngụ xã Ea Uy, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) cầm theo súng săn của mình cất giấu trong nhà đến giao nộp tại Công an xã Ea Uy. “Nộp cho công an khẩu súng này, tôi như trút bỏ được gánh nặng trong lòng. Khẩu súng tôi mua của một người (không rõ lai lịch) từ nhiều năm trước và chỉ để dùng cho việc săn bắn” - ông Ma Su kể.

Ông Ma Su thông tin thêm trước đó, Thiếu tá Lê Tấn Thành, cán bộ Công an xã Ea Uy, đến nhà vận động giao nộp các loại vũ khí. “Cán bộ Thành nói rằng nếu tàng trữ súng, đạn trong nhà là vi phạm pháp luật, nếu không tự nguyện giao nộp sẽ bị xử lý theo quy định. Cán bộ Thành nói hay lắm, làm cái đầu mình cũng phải nghĩ là: Để cây súng trong nhà vừa phạm luật vừa nguy hiểm với sắp nhỏ, chúng lỡ cầm vào nghịch thì nguy hiểm!” - ông Ma Su nói.

Thiếu tướng Lê Vinh Quy (giữa) kiểm tra công tác thu hồi vũ khí. Ảnh: VŨ LONG

Thiếu tướng Lê Vinh Quy (giữa) kiểm tra công tác thu hồi vũ khí. Ảnh: VŨ LONG

Còn anh Y Tuyên Niê (30 tuổi, ngụ buôn Hàng 1C, xã Ea Uy) chia sẻ: “Trước mình nghĩ sơ sài lắm, có cái súng trong nhà rảnh thì đi săn con chim, đuổi con cú về phá rẫy. Cán bộ xã vào nhà mình nói đừng săn chim thú nữa, phạm luật đấy, còn bảo vệ mùa màng, giữ cái rẫy thì cán bộ chỉ cách làm khoa học cho”. “Cán bộ, rồi Công an xã Ea Uy nói hay, nói phải mà già làng cũng bảo thế nên mình tự giác nộp súng, đạn thôi. Và còn được cán bộ tặng quà nữa đấy” - anh Y Tuyên Niê vui vẻ kể lại.

Đại úy Lê Trung Hưng, Trưởng Công an xã Ea Uy, cho biết: “Qua công tác tuyên truyền, chỉ trong thời gian ngắn (từ ngày 1-7 đến nay), người dân tự nguyện giao nộp được 27 khẩu súng, trong đó có 1 súng quân dụng, 6 súng PCP, 20 khẩu súng cồn tự chế; 64 viên đạn quân dụng các loại, 639 đạn chì, 2 vỏ lựu đạn…”.

Thu súng tự chế, gom bom mìn chiến tranh

Theo Đại tá Trần Bình Hưng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, qua 40 ngày triển khai đợt cao điểm vận động (từ ngày 12-6 đến 20-7), người dân ở các địa phương đã chủ động giao nộp 4.576 vũ khí, trong đó có 1.278 súng các loại, 2.666 viên đạn…, các loại vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo; 5,2 kg đạn chì; 1,7 kg thuốc nổ.

Còn Trung tá Phùng Ngọc Quỳnh, Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Ea H’leo, cho biết đội luôn chú trọng đến các khu vực đông dân cư để vận động, tuyên truyền cho người dân giao nộp vũ khí. Ở những nơi vùng xa, núi cao, công an phối hợp với chính quyền các cấp vừa hỗ trợ, tặng gạo, nhu yếu phẩm cho nhân dân, kết hợp với kêu gọi nhân dân chủ động giao nộp vũ khí. Cùng với đó là vận động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tố giác tội phạm.

Để làm sạch môi trường sống, an toàn trên đất canh tác…, Công an huyện Ea H’leo còn khuyến cáo người dân khi phát hiện các loại vũ khí, bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh không nên tàng trữ mà báo cho cơ quan chức năng để có hướng xử lý. “Sau đó, chúng tôi sẽ phối hợp với lực lượng quân đội thu để tiêu hủy theo quy định” - Trung tá Quỳnh cho biết thêm.

Công an tỉnh Đắk Lắk tiếp nhận vũ khí từ người dân giao nộp. Ảnh: VŨ LONG

Công an tỉnh Đắk Lắk tiếp nhận vũ khí từ người dân giao nộp. Ảnh: VŨ LONG

Theo Thiếu tướng Lê Vinh Quy, công tác vận động thu hồi và đấu tranh với tội phạm vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo luôn được Ban giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Lực lượng công an tỉnh thực hiện nhiều giải pháp tăng cường công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn, quản lý đối tượng, rà soát, vận động giao nộp, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo.

“Hành vi tàng trữ vũ khí là hết sức nguy hiểm, là nguyên nhân xảy ra những vụ giết người, cố ý gây thương tích. Dù lực lượng công an đã có nhiều đợt cao điểm vận động, thu hồi nhưng tình hình tàng trữ, sử dụng, mua bán vũ khí ở địa bàn còn phức tạp. Vì vậy đòi hỏi trong thời gian tới lực lượng Công an tỉnh Đắk Lắk phải quyết tâm, cố gắng cao hơn nữa trong việc vận động người dân giao nộp vũ khí” - Thiếu tướng Lê Vinh Quy nói.

Sớm đưa ra xét xử các vụ tàng trữ, buôn bán vũ khí trái phép

Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết trong sáu tháng cuối năm 2023, công an tỉnh sẽ bố trí lực lượng xuống các địa bàn cơ sở, khoanh từng vùng, từng xã, từng tổ dân phố... và thực hiện đúng trọng tâm kế hoạch thu nộp vũ khí.

Cùng với đó, công an cơ sở phải quản lý chặt chẽ địa bàn, đối tượng để khắc phục tình trạng sót lọt đối tượng có liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, không nằm trong diện quản lý, theo dõi. Không ngừng đổi mới nội dung, hình thức xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, dân vận, tuyên truyền bảo đảm thiết thực, phù hợp với từng lĩnh vực.

Xác định tuyến, địa bàn trọng điểm xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát phù hợp để kịp thời phát hiện các đối tượng hoạt động mua bán, vận chuyển các loại vũ khí trái phép.

“Công an tỉnh sẽ phối hợp với VKSND, TAND sớm hoàn thành các hồ sơ vụ án phạm tội, đưa ra xét xử công khai, lưu động để phục vụ công tác tuyên truyền, răn đe, phòng ngừa chung” - Thiếu tướng Lê Vinh Quy khẳng định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm