Đàm phán Nga-Ukraine: Đã xác định các giải pháp cần thống nhất, sẽ gặp lần 2

Sau khi kết thúc cuộc đàm phán ở Belarus hôm 28-2, phái đoàn 2 nước Nga và Belarus cho biết đã tìm thấy những điều nhất định có thể được thống nhất và sẽ trở lại tham vấn trong vòng đàm phán tiếp theo.

Đài RT dẫn lời ông Mykhailo Podolyak, cố vấn Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cho biết mục đích chính của cuộc đàm phán là thảo luận về một lệnh ngừng bắn ở Ukraine. 

“Hai bên đã xác định những vấn đề cần ưu tiên giải quyết, một số giải pháp nhất định đã được vạch ra” - ông Podolyak nói thêm.

Trong khi đó, ông Vladimir Medinsky, trợ lỳ Tổng thống Nga Vladimir Putin và trưởng phái đoàn đàm phán của, xác nhận 2 phái đoàn đã tìm thấy những điểm chung mà các bên có thể thống nhất với nhau.

Quốc kỳ Nga (trái) và quốc kỳ Ukraine (phải). Ảnh: RT

Cuộc đàm phán hôm 28-2, kéo dài gần 5 tiếng đồng hồ, đã diễn ra tại một địa điểm ở Belarus, gần biên giới Nga và Ukraine. Theo ông Medisky, vòng đàm phán tiếp theo giữa Moscow và Kiev dự kiến sẽ được tổ chức ở một địa điểm gần biên giới giữa Belarus và Ba Lan trong những ngày tới.

Phái đoàn của Ukraine, do Bộ trưởng Quốc phòng Alexey Reznikov dẫn đầu, tham gia cuộc đàm phán hôm 28-2 với mục đích chính là để yêu cầu Moscow ngừng bắn ngay lập tức và rút toàn bộ quân đội Nga ra khỏi đất nước.

Trước khi cuộc đàm phán diễn ra, Tổng thống Zelensky cho biết ông không thực sự tin rằng các cuộc đàm phán sẽ thành công, song cho biết “cơ hội vẫn còn đó, dù rất nhỏ, để giảm căng thẳng leo thang”.

Ông Zelensky cũng đã gửi yêu cầu chính thức về việc xét tư cách thành viên EU (Liên minh châu Âu) của Ukraine tới Brussels (Bỉ), RT đưa tin.

Trong khi đó, Nga đã đặt lực lượng răn đe hạt nhân của mình trong tình trạng báo động cao nhất nhằm đáp trả việc NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) tiếp tục gửi vũ khí tới Kiev.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” và bắt đầu cuộc tấn công nhắm vào Ukraine vào ngày 24-2. Kể từ đó, quân đội Nga đã tiến hành pháo kích và phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng quân sự quan trọng của Ukraine. Tên lửa của quân đội Nga còn bắn trúng nhiều tòa nhà dân cư và gây ra thương vong cho thường dân.

Cuộc tấn công đã vấp phải sự chỉ trích nặng nề từ cộng đồng quốc tế, với việc Mỹ, các nước châu Âu và nhiều quốc gia khác trên thế giới liên tục áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Nga.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm