Đằng sau sự thăng hoa của chứng khoán Việt

Lãi suất thấp cùng với nền kinh tế vĩ mô khá ổn định đang hỗ trợ thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ. Qua đó giúp nhiều nhà đầu tư (NĐT) kiếm bộn tiền từ tăng giá cổ phiếu và tài sản của nhiều người giàu phình to hơn. Tuy vậy, NĐT cũng cần cảnh giác với sự hưng phấn quá mức, nhất là những NĐT cá nhân lần đầu tiên tham gia vào thị trường.

Những hiện tượng lạ

Thị trường chứng khoán Việt Nam (VN) tiếp tục vừa có một phiên chào năm mới 2021 đầy khởi sắc. Kết thúc phiên giao dịch ngày 17-2, chỉ số VN-Index tăng hơn 40 điểm, lên mốc hơn 1.155 điểm.

Đặc biệt thị trường chứng khoán đã chứng kiến nhiều hiện tượng chưa từng có trong thời gian gần đây. Đó là sự gia tăng kỷ lục NĐT F0, những người lần đầu tiên tham gia thị trường này. Riêng năm 2020 có đến gần 400.000 tài khoản F0 mới mở, tăng 75% so với năm trước đó.

Ngoài ra, thanh khoản của thị trường có lúc đạt 1 tỉ USD. Với sự giao dịch tăng đột biến đã dẫn đến điều chưa từng xảy ra trước đó: Có những lúc sàn chứng khoán nghẽn mạng do không đủ năng lực xử lý lệnh mua bán.

Lý giải về hiện tượng trên, ông Michael Kokalari, kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital, nhận định: Thị trường chứng khoán VN chứng kiến số lượng tài khoản của các NĐT cá nhân tăng mạnh vì họ muốn có lợi nhuận cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Chính các NĐT cá nhân đã làm bùng nổ khối lượng giao dịch hằng ngày trên thị trường.

Vị lãnh đạo Tập đoàn VinaCapital cũng cho rằng bệ đỡ cho thị trường tăng trưởng mạnh nhất là vào quý cuối năm 2020 đến từ sự hồi phục kinh tế, khi VN là một trong số ít quốc gia có tăng trưởng dương. Đồng thời VN đang sở hữu một cấu trúc mạnh từ sự thặng dư thương mại, bùng nổ đầu tư nước ngoài chuyển dịch chuỗi cung ứng qua VN.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cũng cho rằng khi lãi suất thấp, dòng tiền thường có xu hướng chuyển từ các kênh đầu tư an toàn như gửi tiết kiệm sang lĩnh vực có tỉ suất sinh lời cao hơn, trong đó có thị trường chứng khoán. Chính điều này thúc đẩy chứng khoán thăng hoa ngay trong bối cảnh dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, chứng khoán vốn đóng vai trò hàn thử biểu nền kinh tế nhưng cũng đi nhanh hơn trong phản ánh kỳ vọng kinh tế trong tương lai. Nhiều tổ chức tài chính quốc tế đã đồng loạt đưa ra nhận định tăng trưởng kinh tế VN khá cao, 6%-10% trong năm 2021. Chưa kể các hoạt động tái cấu trúc kinh tế đang được tiến hành mạnh mẽ để cải cách môi trường kinh doanh. Đây cũng là động lực cho thị trường chứng khoán đi lên.

Chứng khoán Việt Nam bùng nổ nhờ ngày càng có nhiều nhà đầu tư tham gia mua bán. Ảnh: PM

Kênh huy động, phân bổ vốn hiệu quả

Trong năm 2020 vừa qua, thị trường chứng khoán Việt trở thành một trong những thị trường có mức tăng trưởng mạnh nhất thế giới. Theo thống kê, có đến 84% công ty đại chúng quy mô lớn trên thị trường này làm ăn có lãi.

Đặc biệt quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu trong năm 2020 đạt hơn 84% GDP, đồng thời quy mô dư nợ thị trường trái phiếu đạt khoảng 45% GDP. Như vậy, thị trường chứng khoán VN đang dần trở thành kênh huy động, phân bổ vốn trung lẫn dài hạn khá tốt cho các doanh nghiệp. 

Hưng phấn thái quá sẽ nếm trái đắng

Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital Michael Kokalari tỏ ra lạc quan về thị trường chứng khoán VN trong thời gian tới. Lý do là người dân vẫn giữ niềm tin vào khả năng xử lý và chống dịch của Chính phủ. Sự tham gia của các NĐT F0 tiếp tục tăng vọt. Lượng tiền của NĐT nước ngoài sẽ tiếp tục đổ vào thị trường... Những nhân tố này sẽ đem lại sự tăng trưởng mạnh mẽ cho thị trường chứng khoán VN trong năm nay.

 “Trong năm 2021, định giá của thị trường chứng khoán VN cũng rất hấp dẫn so với nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philippines. VN đang chứng minh quản lý hiệu quả dịch bệnh, từ đó làm giảm tác động thấp nhất cho nền kinh tế cũng như sự ổn định chính trị của đất nước” - ông Michael Kokalari nói.

Tuy vậy, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhận định lãi suất giảm mạnh khiến dòng tiền đổ nhanh vào chứng khoán, do đó phải hết sức cẩn trọng với xu hướng này vì dễ tạo ra hệ lụy bong bóng tài sản. Bối cảnh kinh tế hiện nay cho thấy các công ty chưa thực sự khởi sắc hoàn toàn; tỉ lệ nợ xấu ngân hàng dù được kiểm soát trong năm 2020 ở mức dưới 2% nhưng khả năng tăng lên trong năm nay.

“Việc tăng điểm mạnh gần đây của thị trường chứng khoán phản ánh từ sự hưng phấn quá mức của NĐT khi kỳ vọng kinh tế phục hồi và giá chứng khoán điều chỉnh là tất yếu. Nhưng các NĐT phải cẩn trọng hơn trong việc định giá các cổ phiếu tăng nóng gần đây trước khi mua, cũng như phải xác định xu hướng đầu tư, biết cắt lỗ đúng thời điểm; đa dạng hóa danh mục đầu tư, giảm đòn bẩy tài chính, tránh tâm lý bầy đàn” - ông Lực lưu ý.

Một số ý kiến khác cũng cảnh báo rằng rất có thể giấc mộng làm giàu từ chứng khoán sẽ kết thúc với không ít NĐT khi lãi suất tăng trở lại. Việc đầu tư dễ dãi bằng nguồn vốn rẻ có thể sẽ để lại hậu quả tiềm ẩn về lâu dài.

Người giàu càng giàu thêm

Nhiều đại gia trên sàn chứng khoán tiếp tục tăng tốc giá trị tài sản dù đối diện với một năm đầy biến động của dịch bệnh. Cụ thể, dù tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho mảng công nghệ gồm ô tô, điện thoại, trí tuệ nhân tạo… và chấp nhận chưa lời ngay nhưng ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, vẫn giữ vững ngôi đầu người giàu nhất thị trường chứng khoán. Kết thúc năm vừa qua, tổng giá trị tài sản của ông Vượng đạt hơn 200.000 tỉ đồng.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, cũng thu nhập “khủng” từ thị trường chứng khoán dựa trên bệ đỡ kinh doanh thành công mảng thép và nông nghiệp. Hiện ông Long đang nắm trong tay gần 38.000 tỉ đồng, giúp ông quay lại bảng xếp hạng tỉ phú USD trên thế giới một cách ngoạn mục và trở thành người giàu thứ hai trên sàn chứng khoán Việt.

Tương tự, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tập đoàn Kinh Bắc, giàu lên khi lọt vào top 20 người giàu nhất thị trường chứng khoán VN. Trong năm vừa qua, số cổ phiếu của tập đoàn mà ông nắm giữ tăng giá, qua đó giúp khối tài sản đạt mức 4.300 tỉ đồng.

Thị trường chứng khoán tăng trưởng giúp bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc VietJet, chiếm lĩnh vị trí thứ ba người giàu nhất trên sàn chứng khoán với tổng giá trị tài sản gần 29.000 tỉ đồng. 


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm