Ngày 8-5, BCH Trung ương Đảng đã mở Hội nghị lần thứ 9 tại Hà Nội. Một nội dung quan trọng trong nghị sự là Trung ương sẽ thảo luận, cân nhắc điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi Quy định 165 của Đảng về lấy phiếu tín nhiệm với lãnh đạo cấp ủy, cán bộ lãnh đạo trong cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội.
Sẽ tiếp tục lấy phiếu tín nhiệm
Theo TTXVN, phát biểu gợi mở về nội dung này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương tập trung thảo luận các mặt được, chưa được trong đợt lấy phiếu tín nhiệm vừa qua. Cho ý kiến các vấn đề như thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, đối tượng lấy phiếu, nội dung, hình thức phiếu, quy trình lấy phiếu, việc công khai kết quả phiếu.
Theo Tổng Bí thư, qua một thời gian thực hiện, có cơ sở để khẳng định chủ trương lấy phiếu tín nhiệm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng là hoàn toàn đúng đắn, cần thiết; là kênh thông tin quan trọng để cấp ủy tham khảo trong đánh giá cán bộ. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cơ bản phản ánh được mức độ tín nhiệm của từng cá nhân trong tương quan chung giữa các chức danh tại thời điểm lấy phiếu; có tác dụng thiết thực trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, đây là công việc hệ trọng, nhạy cảm, chúng ta chưa làm bao giờ, cần hết sức cẩn trọng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Do đó tại hội nghị này, Bộ Chính trị sẽ báo cáo Trung ương kết quả thực hiện, kiến nghị chủ trương tiếp tục thực hiện công việc này trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, Trung ương thảo luận, cho ý kiến. Căn cứ vào ý kiến Trung ương, Bộ Chính trị sẽ chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung Quy định 165 để tiếp tục tiến hành tổ chức lấy phiếu tín nhiệm các chức danh, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đã đề ra.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự khai mạc hội nghị. Ảnh: TTXVN
Thảo luận kỹ về quy chế bầu cử trong Đảng
Cũng tại hội nghị, Trung ương sẽ thảo luận, thông qua quy chế bầu cử trong Đảng. Đây là lần thứ hai BCH Trung ương bàn về vấn đề này.
Khác với trước đây, quy chế bầu cử của Đảng do Bộ Chính trị ban hành, nay được nâng lên để BCH Trung ương thảo luận, quyết định trực tiếp. Tại Hội nghị Trung ương 8, vấn đề này đã được đưa ra bàn, với dự kiến thông qua ngay. Tuy nhiên, còn nhiều ý kiến khác nhau nên Trung ương yêu cầu Bộ Chính trị tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo.
Quy chế bầu cử có tầm quan trọng với tổ chức, hoạt động của Đảng, với việc thi hành điều lệ Đảng, góp phần tạo sức mạnh và sự đoàn kết, thống nhất, kỷ cương trong Đảng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã nảy sinh một số vấn đề cần đánh giá, liên quan đến hai mặt của nguyên tắc tập trung-dân chủ trong sinh hoạt Đảng.
Chẳng hạn, bầu cử trong Đảng thì tự ứng cử thế nào? Có nên hạn chế, phân biệt quyền tự ứng cử của cấp ủy viên và đảng viên thường? Làm thế nào để thực sự khuyến khích tự ứng cử trong Đảng? Tương tự, việc chuẩn bị nhân sự dự kiến cho khóa sau lâu nay tùy thuộc rất nhiều vào cấp ủy khóa trước. Vậy nay làm thế nào mở rộng quyền đề cử, tôn trọng quyền nhận/từ chối đề cử, qua đó phát huy dân chủ trong Đảng như một cơ chế hữu hiệu để tìm nhân tài? Rồi số dư trong đề cử thế nào? Ứng viên có phải trình bày chương trình hành động hoặc cam kết nếu trúng cử không?
Tổng Bí thư đề nghị Trung ương tập trung thảo luận kỹ, tạo thống nhất cao về những vấn đề còn ý kiến khác nhau. Trong thảo luận cần nhấn mạnh yêu cầu quan trọng, cơ bản nhất của quy chế bầu cử là phải đảm bảo mọi đảng viên thực hiện một cách nghiêm túc, đúng đắn điều lệ Đảng, giữ vững nguyên tắc tập trung-dân chủ trong Đảng, làm cho Đảng thực sự là một tổ chức cách mạng chặt chẽ, kỷ cương, đoàn kết, thống nhất cao.
NGHĨA NHÂN
Đánh giá đúng mức về thói giả dối, bệnh thành tích… Tại hội nghị này, BCH Trung ương sẽ bàn về các nội dung tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Theo Tổng Bí thư, hội nghị cần đánh giá đúng mức tính nghiêm trọng của tình trạng lạc hậu, ngoại lai về văn hóa, những biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống, phai nhạt lý tưởng cách mạng, những tiêu cực, tệ nạn xã hội, thói giả dối, bệnh thành tích,… đang có xu hướng lan rộng. “Hội nghị cần tập trung trả lời câu hỏi phải chăng trong hơn 15 năm qua, kinh tế Việt Nam có tăng trưởng, đời sống nhân dân được cải thiện nhưng văn hóa, đạo đức xã hội lại có nhiều biểu hiện xuống cấp, thậm chí có mặt nghiêm trọng? Nếu đúng như vậy thì nguyên nhân vì sao? Vì chủ trương, chính sách, biện pháp chưa phù hợp hay vì nhận thức, quán triệt, tổ chức thực hiện nghị quyết chưa tốt, chưa nghiêm? Vì tác động của mặt trái của kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập quốc tế và sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin, truyền thông?...” - Tổng Bí thư nói. Chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp Chương trình làm việc hội nghị trung ương dự kiến kéo dài đến 14-5, rất dày đặc. Ngoài các nội dung trên, trung ương sẽ bàn thảo đề cương các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng; chuẩn bị cho việc chỉ đạo tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng. Cũng tại hội nghị này, trung ương sẽ đánh giá kết quả tổng kết việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường; thảo luận, kết luận về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương thuộc 10 tỉnh, TP đang thí điểm; cho ý kiến về lựa chọn phương án tổ chức chính quyền địa phương… |