Tổ chức chính quyền địa phương: Không nên rập khuôn, cào bằng!

LTS: Trong tuần này (ngày 13 và 16-10), dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sẽ được tiếp tục đưa ra góp ý tại nhiều tổ chức, đơn vị trên địa bàn TP.HCM. Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu ý kiến của PGS-TS Trương Đắc Linh, Trường ĐH Luật TP.HCM, xoay quanh dự luật này.

Chính phủ vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Nhiều ý kiến kỳ vọng rằng dự luật này sẽ mang lại sự đổi mới mạnh mẽ trong tổ chức chính quyền địa phương, nhất là xóa bỏ sự cào bằng trong tổ chức chính quyền ở nông thôn và đô thị bấy lâu nay, theo định hướng đổi mới của Hiến pháp 2013. Tuy nhiên, nhiều nội dung trong dự thảo này vẫn còn theo lối tư duy cũ.

Có “thành phố trong thành phố”

Nhìn chung dự thảo luật được xây dựng công phu, có nhiều quy định mới nhằm cụ thể hóa để thực hiện các quy định của Hiến pháp năm 2013 như quy định “đơn vị hành chính tương đương” với quận, huyện, thị xã của thành phố trực thuộc trung ương (khoản 1 Điều 110 Hiến pháp 2013) được gọi là “thành phố”; thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương chia thành phường, xã. Hay như cụ thể hóa khoản 2 Điều 110 Hiến pháp về trình tự, thủ tục liên quan đến thay đổi đơn vị hành chính, trong đó quy định bắt buộc phải lấy ý kiến nhân dân địa phương, quy định các hình thức lấy ý kiến nhân dân và giá trị pháp lý của ý kiến nhân dân (nếu có trên 50% cử tri trên địa bàn tán thành đề án thay đổi về đơn vị hành chính thì UBND mới trình HĐND và các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định).

Đại biểu HĐND TP.HCM đang chất vấn tại một kỳ họp năm 2014. Ảnh: HTD

Đừng rập khuôn nữa

Tuy nhiên, trong dự thảo này vẫn còn nhiều điều bất ổn, nhất là về mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính. Cụ thể dự thảo luật đưa ra hai phương án:

Phương án 1 là quận, phường chỉ tổ chức UBND, còn ở các đơn vị hành chính còn lại đều tổ chức chính quyền địa phương có cả HĐND và UBND.

Phương án 2 là HĐND và UBND được tổ chức ở mọi đơn vị hành chính nhưng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của HĐND và UBND, đặc biệt là quận, phường sẽ có đổi mới.

Dự thảo luật đưa ra phương án 2 là trái với nội dung, tinh thần của Điều 111 Hiến pháp năm 2013. Điều này vô hiệu hóa Điều 111 Hiến pháp 2013 và tổ chức chính quyền địa phương sẽ vẫn rập khuôn, cào bằng và về cơ bản không đổi mới gì. Vì vậy theo tôi nên bỏ phương án 2.

Phân quyền: Vẫn chưa rõ

Khoản 2 Điều 112 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương được xác định trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương”. Tuy khoản này được cụ thể hóa trong chương III của dự thảo luật nhưng chỉ mới liệt kê nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền địa phương từ cấp xã đến cấp huyện và cấp tỉnh trên cơ sở tổng hợp từ các luật chuyên ngành hiện hành, trong khi các luật chuyên ngành hầu hết ban hành trước Hiến pháp 2013 nên chưa thể hiện đúng, đầy đủ tinh thần Hiến pháp. Vì vậy, về cơ bản dự thảo còn nhiều bất cập, vẫn còn tình trạng cùng một nhiệm vụ cả ba cấp chính quyền cùng thực hiện mà không rõ mức độ phân quyền cho từng cấp.

PGS-TS TRƯƠNG ĐẮC LINH, Trường ĐH Luật TP.HCM

Cần đa dạng hóa hoạt động

Dự thảo luật còn quy định về nhiệm kỳ HĐND, Thường trực HĐND, UBND các cấp theo kiểu cào bằng, từ cấp xã, cấp huyện đến cấp tỉnh đều là năm năm (bằng nhiệm kỳ của QH), kỳ họp thường kỳ của HĐND các cấp cũng giống nhau là một năm hai kỳ họp. Cần đa dạng hóa tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương. Nhiệm kỳ HĐND và UBND cấp cơ sở nên ngắn hơn, hai năm rưỡi chẳng hạn. HĐND xã, thị trấn cần họp thường xuyên hơn, có thể ba tháng một kỳ thường lệ...

PGS-TS TRƯƠNG ĐẮC LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm