Đảo chính ở châu Phi: Có thể ngăn hiệu ứng domino?

(PLO)- Khu vực Sahel của châu Phi, nơi hiện diện một số quốc gia nghèo nhất, bất ổn chính trị và dễ xảy ra xung đột nhất thế giới, đang chứng kiến loạt đảo chính. Liệu điều này có thành hiệu ứng domino và làm sao để ngăn chặn?
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chỉ trong hai năm qua, ở khu vực cận Sahara châu Phi đã xảy ra tới bảy cuộc đảo chính quân sự: Chad, Guinea, Sudan, Burkina Faso (năm 2021), Mali (năm 2022), Niger và Gabon (năm 2023).

“Vành đai đảo chính” ở châu Phi

Có tới bảy nước ở Tây và Trung Phi xảy ra đảo chính trong vòng ba năm. Mới nhất, ngày 30-8, quân đội Gabon tuyên bố nắm quyền chỉ vài phút sau khi Tổng thống Ali Bongo được thông báo chiến thắng nhiệm kỳ 3. Chỉ hơn một tháng trước, ngày 26-7, quân đội Niger đảo chính phế truất Tổng thống Mohamed Bazoum.

Burkina Faso chứng kiến hai cuộc đảo chính trong khoảng tám tháng năm 2022. Tháng 1-2022, Trung tá Paul-Henri Damiba lật đổ Tổng thống Roch Kaboré và hứa sẽ khôi phục an ninh đất nước. Tháng 9-2022, Đại úy Ibrahim Traoré đã lật đổ Trung tá Damiba.

Người dân và binh sĩ xuống đường ăn mừng sự kiện đảo chính quân sự trên đường phố cảng Port-Gentil (Gabon) ngày 30-8. Ảnh: REUTERS

Người dân và binh sĩ xuống đường ăn mừng sự kiện đảo chính quân sự trên đường phố cảng Port-Gentil (Gabon) ngày 30-8. Ảnh: REUTERS

Guinea xảy ra đảo chính vào tháng 9-2021. Tổng thống dân sự Alpha Condé bị quân đội lật đổ sau hành động sửa đổi hiến pháp để ông nắm giữ nhiệm kỳ thứ ba.

Tại Mali, Tổng thống Ibrahim Boubacar Keïta bị quân đội lật đổ vào ngày 18-8-2020. Tháng 9-2020, Mali quay lại chính phủ dân sự nhưng chỉ đến tháng 5-2021, quân đội lại đảo chính và nắm quyền đến ngày nay.

Tại Chad, sau cái chết của Tổng thống Idriss Déby trong một chiến dịch quân sự chống lại quân nổi dậy ở biên giới phía bắc vào tháng 4-2021, lẽ ra chủ tịch quốc hội lên làm tổng thống thì một hội đồng quân sự nắm quyền kiểm soát và bổ nhiệm con trai của ông Déby là tướng Mahamat Idriss Déby làm tổng thống.

Tại Sudan, tướng Abdel Fattah al-Burhan nắm quyền kiểm soát đất nước vào năm 2021, sau khi quân đội phế truất Tổng thống Omar Hassan al-Bashir vào năm 2019.

Với loạt đảo chính này, khu vực Sahel đã trở thành một “vành đai đảo chính” ở châu Phi, chuyên gia Folahanmi Aina tại tổ chức tư vấn quốc phòng và an ninh Viện Dịch vụ thống nhất Hoàng gia (RUSI, Anh) nhận định trong một bài viết trên trang Al Jazeera.

Nhiều nguyên nhân

Những năm gần đây, Sahel trở thành sân chơi hàng đầu cho các nhóm vũ trang, khủng bố. Theo chỉ số khủng bố toàn cầu do Viện Kinh tế và hòa bình (IEP) có trụ sở tại Úc đưa ra, khu vực này hiện chiếm tới 43% số thương vong do khủng bố toàn cầu.

Trên khắp các quốc gia Sahel - từ Niger và Mali đến Burkina Faso và Chad - tình trạng tham nhũng tràn lan, nghèo đói cùng cực, thất nghiệp lan rộng. Cùng với đó, người dân ngày càng bất mãn với các chính phủ dân sự và đồng minh phương Tây vì nhận thức được sự bất lực của các đối tác phương Tây và các tổ chức quốc tế trong việc mang lại sự ổn định và đảm bảo an ninh trong khu vực. Ngược lại, thiện cảm và sự ủng hộ của họ với các lực lượng đảo chính ngày càng nhiều.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia Aina, phải kể đến một yếu tố nữa là tình cảm chống Pháp ngày càng tăng đã góp phần tạo ra "vành đai đảo chính" ở châu Phi. Năm trong số bảy nước vừa xảy ra đảo chính là cựu thuộc địa của Pháp.

Ký ức về thời còn làm thuộc địa của Pháp vẫn còn tồn tại rất nhiều ở vùng Sahel. Ký ức này cùng việc Pháp gần đây không thể hiện tốt trong việc giữ an ninh ở châu Phi khiến người dân Sahel ngày càng cảnh giác với những điều Pháp làm trong khu vực. Các lực lượng đảo chính ở nhiều nước đã lợi dụng thái độ này, cố gắng thể hiện mình như những anh hùng chống thực dân và những con tốt tham nhũng trong chính phủ dân sự. Đây là lý do tại sao quần chúng hoan nghênh sự lãnh đạo của quân đội với những khẩu hiệu chống Pháp ở Mali, Burkina Faso, Chad và gần đây nhất là Niger.

Kể từ năm 1950, toàn cầu chứng kiến ít nhất 486 cuộc đảo chính quân sự (242 cuộc thành công), châu Phi nhiều nhất với 214 cuộc (106 cuộc thành công), đài Al Jazeera thống kê. 45 trong số 54 quốc gia khắp châu Phi chứng kiến ít nhất một nỗ lực đảo chính kể từ năm 1950.

Liệu có thành hiệu ứng domino, làm sao ngăn chặn?

Nguyên nhân dẫn tới đảo chính ở từng nước có phần khác nhau, tuy nhiên tác động có lẽ là tương tự, có thể gây ra hiệu ứng domino dẫn đến nhiều nỗ lực đảo chính nữa chống lại những nhà cầm quyền lâu đời trong khu vực, theo trang tin Politico.

Giám đốc phân tích Ryan Cummings của Công ty tư vấn rủi ro Signal Risk (có trụ sở tại Nam Phi) nhận xét rằng “nếu nhìn vào một số chính phủ đã rơi vào tình trạng đảo chính ở châu Phi thì đây là những chính phủ phi dân chủ, không được lòng dân và sử dụng quân đội để thúc đẩy quyền lực”, và “khi nhìn quanh khu vực sẽ nghĩ đến vài ví dụ khác”.

Theo hãng tin Reuters, các cuộc đảo chính có điểm chung: Không nước nào khuất phục trước áp lực quốc tế. Sự lên án hoặc đe dọa can thiệp quân sự hầu như không có tác dụng với các lãnh đạo đảo chính ở các nước này. Các lệnh trừng phạt từ các nước phương Tây tác động mạnh đến người dân nhưng dường như lại gây ra sự phản kháng mạnh và tăng cường sự ủng hộ của họ với các lực lượng đảo chính. Đây là điều phải tính đến nếu muốn tìm và giải quyết nguyên nhân sâu xa để ngăn chặn hiệu ứng domino đảo chính thôi lan rộng ở khu vực này.

Từ các cuộc đảo chính, bà Kamissa Camara, cố vấn cấp cao về châu Phi tại tổ chức phi đảng phái Viện Hòa bình Mỹ, cựu Ngoại trưởng và Chánh Văn phòng tổng thống Mali, cho rằng nền dân chủ kiểu phương Tây đã không cho thấy sự thành công ở một số nước châu Phi. Thế hệ trẻ ở những quốc gia này cần xác định được con đường riêng và thiết kế những thể chế phù hợp cho mình. Các nước bên ngoài, với tư cách là đối tác quốc tế nên tập trung hơn vào khu vực tư nhân, nơi có thể tạo ra lượng việc làm cần thiết trong vài năm tới để ngăn cản hàng triệu thanh niên bị lôi kéo bước vào thị trường ma túy để tìm kiếm cơ hội việc làm, nhằm hạn chế bất ổn.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia Aina, Pháp cần rút kinh nghiệm từ những thất bại về quân sự và chính trị, coi các quốc gia Sahel là những đối tác an ninh bình đẳng và độc lập thay vì các thuộc địa cũ cần sự hướng dẫn của Pháp. Một phần của điều này là Pháp phải công nhận sức mạnh mà Nigeria nắm giữ với tư cách là nền kinh tế hàng đầu của Sahel, hợp tác với Nigeria một cách bình đẳng để đạt được các mục tiêu chính trị, kinh tế và an ninh trên toàn khu vực.•

Khủng bố gia tăng song song đảo chính

Có thông tin sau khi đảo chính diễn ra, số lượng và tần suất tấn công của lực lượng cực đoan Hồi giáo ở các nước này gia tăng.

Giải thích về điều này, bà Kamissa Camara nói theo bà tìm hiểu thì tại các nước này, nhiều chỉ huy quân sự, những người đang trực tiếp chiến đấu, đã bị mất tinh thần bởi thực tế các nhà lãnh đạo của họ về cơ bản đã trở thành chính trị gia. Vì vậy, họ từ chối chiến đấu hoặc có động thái thả lỏng ở những khu vực xa xôi của các nước này khiến những cuộc tấn công khủng bố gia tăng về cường độ cũng như tần suất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm