Sáng 26-10, tại TP.HCM, Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT&DL) tổ chức hội thảo “Khai thác và thực thi bản quyền trên không gian mạng”.
Gây thiệt hại khoảng 7.000 tỉ đồng
“Chúng tôi chưa lo xong vấn đề doanh số đã phải lo chạy theo bảo vệ bản quyền trên mạng”. Đây là thực trạng được ông Lê Hoàng Thạch, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ WeWe (Voiz FM), nêu ra khi được hỏi về vấn đề vi phạm bản quyền hiện nay.
Theo ông Thạch, trong bốn năm qua kể từ khi thành lập, Công ty Voiz FM đã đối mặt với vấn đề vi phạm bản quyền trên Internet với mức độ tinh vi ngày càng cao. Trong đó có ba hình thức vi phạm phổ biến ở lĩnh vực sách nói gồm: USB sách nói/link chia sẻ, kênh YouTube sách nói và cuối cùng là website.
Ông Thạch dẫn chứng: “Chỉ tính riêng trên nền tảng YouTube, từ tháng 7-2020 đến nay, chúng tôi đã tháo gỡ hơn 30.000 nội dung vi phạm. Tuy nhiên, việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn vì chưa có công cụ hỗ trợ mà phải làm bằng tay và khó xác định được thiệt hại. Đó là chưa kể với một môi trường ẩn danh như trên Internet thì việc truy tìm kẻ vi phạm không phải dễ dàng”.
Hành vi vi phạm bản quyền trên không gian mạng đang có sự tham gia của nhiều chủ thể từ các quốc gia khác nhau, gây khó cho việc xác định và xử lý hành vi vi phạm trong thẩm quyền tài phán quốc gia.
Bà PHẠM THỊ KIM OANH, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả
Tương tự, ông Phạm Văn Anh, Trưởng phòng Pháp chế Công ty TNHH Đầu tư công nghệ và dịch vụ Sconnect Việt Nam (Sconnect), nhìn nhận việc vi phạm bản quyền trong lĩnh vực phim ảnh đang khiến cho các đơn vị như Sconnect phải “bạc đầu” đối phó. Đáng nói là hai năm trở lại đây, hầu hết kênh kinh doanh của công ty trên YouTube đều bị các bên khác lấy và đăng tải lại trên các nền tảng mạng xã hội mà không xin phép.
“Riêng trong năm ngoái, có ít nhất bảy bên đã vi phạm bản quyền của chúng tôi. Mới đây nhất, trong tháng 10-2023, chúng tôi phát hiện thêm một kênh có tên Wolfoo TVV đã đăng tải lại các video Wolfoo từ các kênh chính thống của Sconnect trên YouTube. Chúng tôi phát hiện các bộ nhân vật của phim hoạt hình Wolfoo bị sao chép, làm lại bởi nhiều bên, trong đó có cả đơn vị quốc tế (Trung Quốc). Dù chúng tôi đã gửi yêu cầu xóa, gỡ bỏ tới YouTube để được xử lý nhưng không thể triệt để hết” - ông Anh dẫn chứng.
Cũng theo ông Anh, các công ty Việt hiện nay còn phải hứng chịu việc cạnh tranh không lành mạnh khi một số bên lạm dụng quyền bảo vệ sở hữu trí tuệ trên nền tảng thứ ba (như YouTube) để xóa bỏ video. Điều này khiến đơn vị bị thiệt hại hơn 10 triệu USD, tính từ đầu năm 2022 đến giữa năm 2023.
Thông tin từ Hội Truyền thông số Việt Nam cho hay tại Việt Nam có tới 80% vi phạm bản quyền diễn ra trên nền tảng số, gây thiệt hại 348 triệu USD riêng trong năm 2022, tương đương 7.000 tỉ đồng. Chính vì thế, việc bảo vệ bản quyền trên nền tảng không gian số là điều vô cùng cấp bách.
Phải xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức
Theo bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, các hành lang pháp lý bảo vệ bản quyền trên không gian mạng đã được cập nhật rất nhiều. Đơn cử như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã được thông qua và có hiệu lực. Luật này có hành lang pháp lý để bảo vệ việc đăng ký bản quyền. Nghị định 17/2023 của Chính phủ cũng quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan.
“Bên cạnh đó cũng đã có các cơ chế, chính sách bảo vệ bản quyền, trách nhiệm của chủ thể cung cấp dịch vụ Internet hay trường hợp được miễn trừ pháp lý nếu họ có sự phối hợp với cơ quan nhà nước Việt Nam” - bà Oanh nói.
Dẫu vậy, ở góc độ doanh nghiệp, Trưởng phòng Pháp chế Công ty Sconnect Phạm Văn Anh cho rằng hiện nay các đơn vị trung gian như YouTube dù đưa ra các cơ chế, chính sách bảo vệ bản quyền rất đắc lực nhưng vẫn tồn tại nhiều kẽ hở. Thêm vào đó, các đạo luật mà họ đưa ra không khớp, không tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam khi hoạt động tại Việt Nam. Ngoài ra, việc liên lạc, trao đổi thông tin với các nhà cung cấp dịch vụ Internet nước ngoài rất khó khăn. Đơn cử với Google, hiện họ không có trụ sở tại Việt Nam và không có người đại diện chịu trách nhiệm tại nước ta.
Do đó, đại diện Công ty Sconnect kiến nghị các đơn vị cung cấp dịch vụ Internet nước ngoài khi hoạt động tại Việt Nam phải có pháp nhân tại nước ta.
“Tôi cũng cho rằng để giải quyết bài toán bảo vệ tài sản trí tuệ thì cần tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo hộ bản quyền trong môi trường kỹ thuật số. Trong đó, cần quy định chi tiết về các hành vi vi phạm, chế tài áp dụng đối với các hành vi vi phạm bản quyền trên không gian mạng. Đặc biệt phải xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ Internet trong trường hợp bản quyền bị xâm phạm trong môi trường kỹ thuật số” - ông Anh đề xuất.
Đại diện Công ty Voiz FM cũng kiến nghị cơ quan nhà nước cần phối hợp với các nền tảng lớn như YouTube, Facebook, các ứng dụng di động… để cắt quảng cáo đối với các nội dung vi phạm, tác động trực tiếp tới gốc rễ vấn đề thay vì chỉ báo cáo gỡ bỏ lẻ tẻ.
Xây dựng hệ thống tự động chặn truy cập lậu
Chia sẻ về giải pháp ngăn chặn vi phạm bản quyền trực tuyến, ông Minkowski Simon, Trưởng phòng Bảo vệ bản quyền Tập đoàn Canal+, cho biết đơn vị đã xây dựng hệ thống tự động hóa để chặn truy cập lậu thay vì phải làm thủ công. Hiện châu Phi là nơi đang triển khai tốt nhất công cụ ngăn chặn này. Tính chung đến nay đã có khoảng 12 quốc gia có khung pháp lý đủ để chặn truy cập tự động.
Ví dụ Canal+ tại Pháp đã chặn hơn 1.700 miền (từ năm 2022) và xóa 200 miền khỏi công cụ tìm kiếm của Google. Khi đó, người dùng sẽ chuyển sang các dịch vụ hợp pháp. Ngoài ra, Canal+ còn rút ngắn thời gian tiến hành chặn để kết quả xử lý bản quyền được nhanh chóng hơn.
“Tại Pháp, họ chặn tất cả trang web lậu có thể truy cập được từ Pháp, bất kể nguồn phát là ở Pháp hay ở các nước khác. Việc cho phép chặn các trang web lậu từ nước ngoài có lượng truy cập lớn có thể đem lại những tác động to lớn tới tình trạng vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần lưu ý việc tìm và chặn các máy chủ phát lậu để triệt để tận gốc” - ông Minkowski Simon nhấn mạnh.