Năm nay vẫn có đường sách của hội hoa và có thêm con đường sách Nguyễn Văn Bình vừa được khai sinh.
Con đường sách nào cũng đông người tham quan và mua sách. Nhiều người bạn và ngay cả một số báo mạng cho rằng bán sách ngày mùng 1 là một nét mới trong năm nay. Tôi chỉ đồng ý “phân nửa” là hai con đường sách là nét mới nhưng chuyện bán sách vào mùng 1 và người đi mua sách ngày mùng 1 là chuyện đã xưa rồi… diễm!
Tôi nhớ vào năm 2010, trong một cơn bốc đồng nhẹ nhàng, tôi làm một chuyến du xuân trên vài con đường để tận hưởng thú vắng vẻ, tĩnh lặng của ngày đầu một năm. Các cửa hàng ngày thường tấp nập nay đóng cửa im ỉm, kể cả những quán ăn ngày thường khách hàng phải chen chân. Ngày tết ngơi nghỉ, đoàn tụ gia đình, dù cho có thể kiếm tiền được gấp hai, gấp ba ngày thường, nhiều chủ nhân cũng đóng cửa để đón xuân.
Tôi chợt bắt gặp một hiệu sách trên đường Nguyễn Thị Minh Khai kiên quyết mở cửa bán sách vào mùng 1 bất chấp thiên hạ có dòm ngó đến cửa hàng không. Thoạt đầu tôi đinh ninh là chủ cửa hiệu sách mở cửa cùng bạn bè nhậu lai rai sau khi cúng quẩy cầu mua may bán đắt. Nhưng tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy có vài người từ trong tiệm sách đi ra, trên tay ai cũng có vài quyển sách mới cứng. Bấy giờ tôi mới tin rằng tiệm sách vẫn mở cửa bán vào ngày đầu năm.
Bước vào hiệu sách, tôi đọc được một thông báo đại ý là hiệu sách vẫn mở cửa trong các ngày tết (nghỉ từ mùng 3). Tiếp chuyện với tôi là người quản lý nhà sách cho biết: “Mình mở cửa bán thì vẫn có khách mua thôi. Mới đầu tưởng mở cửa 30, mùng 1 không có khách nhưng dân Sài Gòn lạ lắm. Cuối năm, đầu năm vẫn mua sách”.
Trong khi nhìn lướt qua những cuốn sách mới, gáy tươi tắn trên những quầy kệ, tôi vẫn nhận thấy có khách hàng ra vào và có người mang đến quầy thu ngân cả chồng sách để tính tiền. Ngắm nhìn, chọn lựa đã đời, tôi tìm được quyển sách biên khảo thuộc loại quý hiếm của ông Đặng Phong về kinh tế Việt Nam những năm 1975-1985, thêm quyển biên khảo Từ Đông sang Tây (in năm 2005) do các ông Cao Huy Thuần, Nguyễn Tùng Trần, Trần Hải Hạc chủ biên với sự tham gia trước tác của một số tác giả đáng nể như Phan Huy Lê, Nguyễn Tài Cẩn, Trần Văn Khê… Mua hai quyển sách được giảm 20% trên giá bìa. Sau khi tính tiền, lấy sách, cô thu ngân trịnh trọng bằng hai tay đưa cho tôi một bao lì xì: “Năm mới, cửa hàng sách xin tặng chú chút lì xì và chúc chú cùng gia quyến đầu năm an khang thịnh vượng”.
Mua sách hay, giá rẻ lại còn được lì xì, tính ra mua hai quyển sách chỉ bằng phân nửa giá bìa mà lại là những quyển sách biên khảo có giá trị của những tên tuổi lớn giống như mình gặp được các vị ấy trong ngày mùng 1 tết. Cuối năm, đến những con phố mua chữ thánh hiền qua nét bút của các ông đồ. Đầu năm mua sách coi như một cách hái lộc xuân cho tinh thần và cuộc sống.
Tôi lại lẩn thẩn suy nghĩ trong ngày tết ông bà ta đã đi mua chữ khai tâm, khai trí từ những ông đồ có phải chăng vì ngày xưa sách không phổ cập cho mọi người như hôm nay. Còn bây giờ người mua sách có thể tìm đủ loại sách khuyến học có đầy trong các hiệu sách. Ngày nay việc tìm đến những hiệu sách, con đường sách để mua chữ đầu năm là một mỹ tục đang dần đi vào cuộc sống tinh thần của nhiều người. Ừ mà tại sao không có những ông đồ, cô tú… mở những gian hàng bán sách bằng tre nứa, sách được bày trên chiếc chõng tre còn thơm hơi sương sớm mùa xuân nhỉ?