Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Chí Cường vừa phê duyệt kết quả nghiên cứu Đề án “Phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền trên địa bàn TP”.
Theo đó, Đà Nẵng đặt mục tiêu đẩy mạnh hoạt động khai thác du thuyền đường thủy nội địa trên các tuyến sông Hàn, sông Cu Đê, sông Cổ Cò, vịnh Đà Nẵng. Đồng thời khai thác ổn định các tuyến từ bờ ra đảo, kết nối với đảo Cù Lao Chàm, Lý Sơn.
Qua đó, Đà Nẵng muốn nâng cao vai trò quốc tế trong lĩnh vực du thuyền của TP, khẳng định vị thế là một trong những điểm đến ưu tiên trong hải trình du lịch quốc tế tại châu Á.
Đến năm 2030, Đà Nẵng tập trung xây dựng hạ tầng bến du thuyền quốc tế gắn với dịch vụ tầm cỡ quốc tế tại vịnh Đà Nẵng. TP từng bước hình thành hạ tầng ban đầu của công nghiệp du thuyền, kêu gọi đầu tư cơ sở đóng mới du thuyền cỡ vừa và nhỏ.
Công nghiệp, dịch vụ du thuyền tại Đà Nẵng có mục tiêu đóng góp 2-3% GRDP của TP.
Đến năm 2050, Đà Nẵng phát triển công nghiệp đóng mới du thuyền chuyên nghiệp, hiện đại và chuyển đổi bến cảng Tiên Sa thành bến cảng du thuyền quốc tế. Đồng thời đưa dịch vụ du thuyền trở thành thương hiệu đặc trưng của TP, nâng mức đóng góp vào GRDP đạt khoảng 4-5%.
Cụ thể, Đà Nẵng sẽ đầu tư/kêu gọi đầu tư 38 dự án du thuyền với tổng mức đầu tư khoảng 7.260 tỉ đồng. Trong đó có năm bến du thuyền quốc tế, 33 bến du thuyền thông thường.
Một số dự án du thuyền tiêu biểu như bến du thuyền tại Khu nghỉ dưỡng InterContinental Peninsula Resort ở bán đảo Sơn Trà, bến du thuyền tại Khu du lịch làng Vân, bến du thuyền ở chân cầu Rồng, bến du thuyền Bạch Đằng gần cầu Nguyễn Văn Trỗi, bến du thuyền DHC Marina…
Với du thuyền, Đà Nẵng ưu tiên phát triển các dịch vụ như thương mại, cảng bến, vận chuyển hành khách, dịch vụ an ninh và an toàn hàng hải.
Theo đề án, các hoạt động công nghiệp, dịch vụ liên quan du thuyền sẽ tạo ra khoảng 8.800 việc làm mới ở giai đoạn 2025, 35.000 việc làm ở giai đoạn 2025-2030 và 57.000 việc làm cho giai đoạn sau năm 2030.