Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre, đã yêu cầu được tranh luận lại với Ban soạn thảo Luật Về hội trong buổi chiều nay, 25-10.
Ông Lưu Bình Nhưỡng là vụ trưởng - kiêm phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương. Khi tranh luận, tên ông không được hiện lên, thay vào đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu gọi theo số hiệu chỗ ngồi của ông là B14.
Đại biểu Quốc hội, TS Lưu Bình Nhưỡng trở thành đại biểu đầu tiên thực hiện quyền tranh luận tại Quốc hội. Ảnh: CHÂN LUẬN
Ông Nhưỡng cho rằng tất cả các đạo luật đều nói phải bám sát mục tiêu thể chế hóa đường lối của Đảng, đường lối đối ngoại của nhà nước, nhất là trong thời buổi hội nhập. Tuy nhiên, Dự thảo Luật Về hội chưa đáp ứng được điều này, nhất là đối với những quy định về liên kết, nhận tài trợ của nước ngoài.
Về sáu tổ chức chính trị-xã hội mà Dự thảo đặt ra ngoài phạm vi điều chỉnh, ông Nhưỡng yêu cầu làm rõ đơn vị “MTTQ Việt Nam”. Ông nói: “Cần làm rõ MTTQ Việt Nam là tổ chức nào, là Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hay bao gồm tất cả tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam”.
Ông Nhưỡng cũng cho hay, có nhiều loại hội chỉ mang tính chất giao lưu định kỳ, không cần trụ sở, không cần điều kiện nào cả. “Tôi có hội đại học, sinh hoạt mấy chục năm, chả lẽ bây giờ phải đăng ký sao?” - ông Nhưỡng đặt vấn đề. Đồng thời, ông yêu cầu phải xem xét, đánh giá tác động của dự thảo, cũng như của các tổ chức hội đối với xã hội.
“Sau sự cố BLHS 2015, QH phải thận trọng, luật phải có chất lượng mới thông qua. Tôi đề nghị chưa thông qua dự thảo Luật Về hội” - ông Nhưỡng dứt khoát.
Trước đó cũng có nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về những vướng mắc của dự thảo đối với những thực tế về ngoại giao, hoạt động, nhiệm vụ của các hội đang tồn tại. Đặc biệt, vấn đề liên kết, nhận tài trợ, viện trợ của nước ngoài được đề cập đến nhiều nhất.
Nhiều ý kiến cho rằng để đảm bảo đầy đủ quyền tự do lập hội của công dân, Quốc hội chưa nên thông qua dự thảo Luật này.