Tranh luận chiều nay tại hội trường về vấn đề thực phẩm bẩn, đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) phát biểu: "Từ sáng tới giờ nghe một số vị đại biểu Quốc hội yêu cầu người tiêu dùng phải thông minh, phải thông thái. Nhưng tôi xin tranh luận lại, tôi không hiểu khái niệm thông minh, thông thái”.
Đại biểu Giang không hiểu người tiêu dùng phải thông thái đến cỡ nào khi xung quanh len lỏi những người sản xuất kinh doanh rất "ác độc". Từ đó đại biểu Giang nói: “Tôi thấy dự thảo (sửa đổi, bổ sung BLHS 2015 - PV) vừa rồi chỉ có 20 năm, không có hình thức tử hình hoặc chung thân, tôi đề nghị phải tăng nặng hình phạt”.
Đại biểu Thái Trường Giang đề nghị chung thân, tử hình những người kinh doanh, sản xuất thực phẩm bẩn mà ông cho là "ác độc".
Thừa nhận ý kiến của mình có thể chỉ là thiểu số nhưng đại biểu Giang xin Quốc hội hãy xem điều này rất là nghiêm trọng.
“Báo cáo giám sát cho thấy giai đoạn 2011-2016 chỉ xử lý được một vụ hình sự cho ba bị can trong 90 vụ, 148 bị cáo hành vi phạm tội về an toàn thực phẩm đưa ra xử lý. Tôi thấy con số này thực sự rất ít” - đại biểu Giang dẫn chứng và nhận định - “Ăn uống nhìn đâu cũng thấy không an toàn”.
Đồng tình, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nói: “Nếu chúng ta đòi hỏi như thế thì người dân nghe cảm thấy rất buồn và không đồng tình. Bởi vì tiêu dùng thông thái, thông minh tùy thuộc vào các điều kiện, các hoàn cảnh nhất định”.
Đại biểu Nguyễn Thái Học thì nói đòi hỏi người tiêu dùng thông minh sẽ khiến dân buồn và không đồng tình.
Theo đại biểu Học, người nông dân đói phải ăn, khát phải uống mà không có sự lựa chọn nào khác. “Bây giờ chúng ta đòi hỏi người tiêu dùng thông minh, thông thái thì lựa chọn như thế nào?”.
Đại biểu Học đặt vấn đề về công tác quản lý nhà nước đối với an toàn thực phẩm thời gian qua và đặt câu hỏi: “Vì sao có một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa thật sự quan tâm đúng mức đến vấn đề an toàn thực phẩm? Vì sao công tác thanh tra, kiểm tra của chúng ta vẫn còn thụ động?”.
Dẫn ra tỉ lệ phát hiện sai phạm và xử lý về mặt an toàn thực phẩm chưa cao, đại biểu Học nói: “Khi chúng ta làm chưa tốt công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thì chúng ta đòi hỏi người tiêu dùng phải thông minh, thông thái là không thể đáp ứng được”.
Còn đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) thì đề cập đến trách nhiệm của chính quyền cơ sở và nói: “Nếu từng địa phương mà bí thư, chủ tịch của cấp huyện, cấp xã, trưởng thôn, bí thư chi bộ, thực sự có trách nhiệm, trăn trở, lăn lộn với địa bàn, địa phương mình thì chắc chắn sẽ giảm thiểu tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm”.
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu đề nghị lấy tinh thần chống Mỹ để cứu dân tộc thoát khỏi tình trạng thực phẩm không an toàn.
Đại biểu Hiểu đề xuất phải coi an toàn thực phẩm trở thành vấn đề an ninh thực phẩm và coi đây là một bộ phận của an ninh quốc gia. “Vì số người chết, số người mắc bệnh, vấn đề giống nòi, sự hùng cường của dân tộc, danh hiệu điểm đến an toàn của Việt Nam chúng ta đang rất lung lay và rất nguy hại” - ông Hiểu nói.
Cuối cùng, ông Hiểu đề cập đến tư duy, cách nghĩ, cách làm ở nhiều cán bộ cơ sở khi thấy công việc nhiều thì chùn tay, không tin vào kết quả cuối cùng.
Ông Hiểu đề nghị phải lấy tinh thần chống Mỹ để “chiến đấu” với thực phẩm bẩn. “Cả dân tộc quyết tâm như một thời chúng ta đánh Mỹ để cứu dân tộc chúng ta tránh khỏi thực phẩm bẩn” - ông Hiểu kết thúc tranh luận.