Đề xuất làm thêm đường dây 500kV Nam Trung Bộ - Bắc Bộ

Bộ Công Thương đang dự thảo Báo cáo Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong phương án quy hoạch phát triển nguồn điện, Bộ Công Thương cho biết năm 2020, xu hướng truyền tải điện chính vẫn là từ Bắc vào Nam.

Cụ thể, miền Bắc tải vào miền Trung khoảng 6 tỉ kWh, miền Nam nhận khoảng 38 tỉ kWh từ Tây Nguyên và Nam Trung bộ.

Công nhân đang thi công, bảo dưỡng đường dây điện. Ảnh: PLO

Theo Chương trình phát triển nguồn điện tới năm 2030, dự kiến tổng công suất nguồn điện sẽ tăng thêm khoảng gần 80.000MW so với năm 2020; trong đó, các nguồn điện lớn như các nhà máy nhiệt điện than, khí và LNG dự kiến sẽ tăng thêm khoảng trên 30.000MW. Các nhà máy điện gió và điện mặt trời dự kiến tăng thêm khoảng gần 30.000MW. 

 Tuy nhiên, phần lớn các nguồn điện này đều tập trung nằm xa trung tâm phụ tải. Bởi vậy, công tác phát triển lưới truyền tải để giải toả công suất các nguồn điện mới được cho là vấn đề rất quan trọng, cần tập trung nghiên cứu để có giải pháp phù hợp.

Theo báo cáo của Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), hiện hệ thống điện được phân chia thành 6 vùng: Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Nam Bộ và 19 tiểu vùng để tính toán cơ cấu nguồn từng vùng và quy mô truyền tải liên vùng.

Quy mô nguồn điện bao gồm tất cả các nguồn điện hiện trạng và đã được đăng ký khoảng 2.200 dự án, tương đương 220GW. Nhiều vùng, tiểu vùng có quy mô nguồn đăng ký lớn hơn rất nhiều phụ tải khu vực đó.

Đại diện Viện Năng lượng cho biết, việc thiết kế hệ thống lưới truyền trải đảm bảo đi trước một bước; trong đó, đưa ra lộ trình xây dựng lưới truyền tải giai đoạn 2021-2030, định hướng tới 2031-2045.

Theo đơn vị xây dựng dự thảo quy hoạch, giai đoạn đến năm 2025, Nam Trung bộ sẽ dôi dư nguồn và có khoảng 1 tỉ kWh cần tải ra Bắc Trung bộ, từ đó đẩy ra miền Bắc.

EVNNPT ứng dụng thiết bị bay UAV giám sát, phát hiện các sự cố trên lưới truyền tải điện. Ảnh: PLO


Năm 2030, Bắc bộ cũng sẽ nhận lượng điện năng rất lớn từ Bắc Trung bộ, Trung Trung bộ, lượng điện năng từ Nam Trung bộ cũng không thể tải hết vào Nam bộ mà bắt đầu tải sản lượng lớn ra Bắc. Cơ quan soạn thảo tính toán, giai đoạn 2030-2045, khu vực Bắc bộ nhận lượng điện rất lớn lên đến hàng chục tỉ kWh, trong đó chủ yếu từ Nam Trung bộ.

Hiện đang có sự thiếu cân đối giữa công suất nguồn đăng ký với phụ tải, giữa các vùng, tiểu vùng và các tỉnh. Các nguồn điện hiện đăng ký tập trung quá nhiều tại miền Trung, miền Nam. Quy mô này sẽ vượt quá năng lực truyền tải của lưới liên kết đã được quy hoạch, phê duyệt đến năm 2030. Với công suất truyền tải như vậy sẽ gây nên quá tải lưới truyền tải. 

Để giải quyết vấn đề này, Viện Năng lượng đưa ra ba phương án truyền tải điện liên vùng. Phương án 1 là xây dựng thêm đường dây 500kV mạch kép Nam Trung Bộ - Bắc Bộ có chiều dài khoảng 1.200 km, quy mô truyền tải 2.000MW.

Phương án 2, xây dựng thêm đường dây truyền tải điện 1 chiều (DC) 525kV Nam Trung Bộ - Bắc Bộ dài 1.200 km, quy mô 2.000MW.

Phương án 3, xây dựng thêm đường dây truyền tải điện 1 chiều 800kV Nam Trung Bộ - Bắc Bộ.

Phân tích từng phương án, đơn vị tư vấn cho hay, phương án 1 có mức chi phí đầu tư thấp, còn lại phương án 2 và 3 có vốn đầu tư cao hơn do chi phí của các trạm chuyển đổi đường dây lớn. Do vậy, Viện Năng lượng đề xuất xem xét phương án 1.

Đầu tư lưới truyền tải 500 – 220 kV giai đoạn 2021-2030 sẽ là thách thức rất lớn cho ngành điện. Khối lượng đầu tư trung bình hàng năm cao gấp khoảng 2 lần năng lực hiện nay, nhưng hệ số sử dụng lưới điện năng lượng tái tạo thấp hơn các loại nguồn truyền thống, thời gian hoàn vốn lâu hơn. Điều này khó đáp ứng các chỉ tiêu kinh tế thông thường.

Do đó, cần có cơ chế về phí truyền tải phù hợp để tái đầu tư lưới điện với tỉ trọng cao năng lượng tái tạo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm