Ý kiến trên được ông Tú nêu tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tư pháp chiều 23-1.
CSGT Hà Nội đề xuất mỗi người chỉ được sở hữu một biển số xe để hạn chế ùn tắc giao thông.
Xung quanh đề xuất của Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng Phòng CSGT Hà Nội về việc Chính phủ và các bộ ngành cần quy định mỗi công dân được đăng ký một biển số xe ô tô và chịu trách nhiệm về biển số đó, ông Tú cho rằng có thể có nhiều ý kiến khác nhau, xuất phát từ góc độ tiếp cận khác nhau.
Tuy nhiên, từ góc độ pháp luật dân sự- kinh tế, trong bối cảnh chúng ta coi trọng bảo vệ quyền con người, quyền công dân và quyền tài sản theo quy định của Hiến pháp 2013 cũng như BLDS thì đề xuất này chưa phù hợp.
“Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”- ông Tú dẫn lại khoản 2 điều 14 Hiến pháp.
Ông Tú cũng cho biết, ở góc độ hợp lý, kinh nghiệm các nước cho thấy họ sử dụng nhiều biện pháp để hạn chế phương tiện cá nhân như đánh thuế, thu lệ phí dựa trên đầu phương tiện.
“Sở hữu một xe ô tô đã đánh thuế cao rồi, nhưng từ xe thứ hai trở lên thì số tiền thuế sẽ được tính luỹ tiến và phải trả rất nhiều tiền, nếu muốn sở hữu tiếp chiếc xe ô tô thứ 3-4 thì sẽ bị đánh thuế rất cao. Nói cách khác, người nhiều tiền muốn sở hữu nhiều xe ô tô thì phải trả nhiều tiền thuế lũy tiến tương ứng”- ông Tú nói.
Cạnh đó, họ còn áp dụng quy định thu phí khi lưu thông vào khu vực đông dân cư, có thể gây ách tắc giao thông. Nếu đi vào giờ cao điểm phải chịu thuế, phí cao hơn…
“Nếu làm như vậy tôi cho rằng sẽ tháo gỡ được những bất cập trong thực tiễn nhưng đồng thời vẫn bảo đảm quyền con người, quyền công dân, quyền sở hữu tài sản của công dân theo quy định của Hiến pháp và BLDS”- ông Tú nhấn mạnh.
Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển cho rằng các giải pháp nhằm hạn chế phương tiện xe cá nhân, giảm ùn tắc giao thông đã được bàn thảo nhiều, chúng ta đang trong lộ trình nghiên cứu để tìm ra phương án tối ưu.
“Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tìm ra giải pháp tốt nhất, để vừa quản lý được nhưng cũng phải đảm bảo quyền con người, quyền công dân về sở hữu tài sản cũng như quyền đi lại của công dân…”- ông Hiển nhấn mạnh.
Vụ trưởng Vụ pháp luật dân sự- kinh tế cho biết, một cuộc họp của Chính phủ chiều 23-1 cũng sẽ bàn thảo về vấn đề này.