Phà Cát Lái, phía quận 2, TP.HCM - điểm bắt đầu của cầu Cát Lái.
UBND TP.HCM vừa kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương bổ sung quy hoạch xây dựng cầu thay thế phà Cát Lái. Theo UBND TP.HCM, việc sớm đầu tư xây dựng hoàn chỉnh công trình cầu thay phà Cát Lái sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng gia tăng tại cụm cảng Cát Lái và thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội tại quận 2.
Phối cảnh cầu vượt, hầm chui tại nút giao Mỹ Thủy.
Theo TP.HCM, hầm chui, cầu vượt tại nút giao Mỹ Thủy vừa được khởi công xây dựng ngày 3-6 là tiền đề thuận lợi để sớm làm cầu Cát Lái.
Cầu Cát Lái có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 4 km (riêng cầu khoảng 3,4 km), được thiết kế là loại cầu dây văng có tĩnh không 55 m, tối thiểu bốn làn xe. Điểm đầu dự án kết nối với nút giao thông Mỹ Thủy (quận 2) và điểm cuối cách bến phà hiện hữu khoảng 1,2 km thuộc xã Phú Hữu, đô thị Nhơn Trạch (Đồng Nai). Dự án có tổng kinh phí đầu tư tạm tính hơn 5.700 tỉ đồng.
Tin từ Sở GTVT cho hay hiện một nhà đầu tư đang trình dự án mở một con đường nối thẳng từ cổng phụ cảng Cát Lái ra đường Vành đai 2 tại vị trí giữa cầu Kỳ Hà 3 và cầu Bà Cua. Con đường này sẽ giúp giảm tải cho cổng chính và tăng thêm năng lực hàng hóa, xe thông qua cảng Cát Lái theo hướng vuông góc với Vành đai 2.
Cổng chính cảng Cát Lái trên đường Nguyễn Thị Định luôn quá tải, kẹt xe.
Phà Cát Lái.
Trước mắt, Sở GTVT TP.HCM đang nghiên cứu mở rộng đường Nguyễn Thị Định từ trước bến phà Cát Lái ra đến nút giao Mỹ Thủy từ gần 20 m hiện hữu lên 60 m nhằm đáp ứng lưu thông của các dòng xe trước cảng Cát Lái và Khu công nghiệp Cát Lái.
Như vậy, nếu cầu Cát Lái sớm được xây dựng thì đến sau năm 2020, từ hướng đông - đông bắc TP với điểm đầu cửa mở là quận 2 sẽ hình thành hệ thống cầu, đường kết nối cụm đô thị - cảng - khu công nghiệp của TP.HCM nối thông sang Đồng Nai, hướng về phía Vũng Tàu.