Thủ tướng Merkel cho biết hôm 19-6 rằng bà có "bằng chứng mạnh mẽ" cho thấy Iran đứng sau hai vụ tấn công liên tiếp vào tàu chở dầu gần eo biển chiến lược Hormuz, đài DW của Đức đưa tin.
Mỹ cáo buộc Iran tấn công các tàu chở dầu mang cờ của Nhật Bản và Na Uy, đồng thời công bố các đoạn phim và hình ảnh cho thấy một chiếc thuyền của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran tháo gỡ một quả mìn chưa phát nổ.
Vật liệu bị bỏ lại sau khi loại bỏ mìn chưa nổ. Ảnh: CNN
Liên minh châu Âu (EU) cho biết đoạn phim này chưa đủ để buộc tội Iran, trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas cho biết Đức vẫn đang đánh giá các bằng chứng trước khi đưa ra bất kỳ kết luận nào.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Berlin cùng với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, bà Merkel kêu gọi một giải pháp hòa bình để giải quyết căng thẳng ở Vịnh Ba Tư.
"Chúng tôi có bằng chứng mạnh mẽ về việc này và xem đây là một hành động nghiêm trọng", bà Merkel nói, đề cập cáo buộc của Mỹ cho rằng Iran đứng sau các cuộc tấn công vào hai tàu chở dầu ở Vịnh Oman tuần qua.
"Đây là một tình huống rất nghiêm trọng", bà nói thêm rằng Đức sẽ nói với tất cả các bên và đặc biệt là Iran, "không nên làm tình hình leo thang".
Iran đã phủ nhận các cáo buộc đứng sau hai vụ tấn công liên tiếp vào tàu chở dầu hôm 13-6 và một vụ tấn công tương tự vào bốn tàu ở bờ biển Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất vào tháng trước. Iran cho biết các đoạn phim và hình ảnh do Mỹ đưa ra không chứng minh được điều gì.
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran gia tăng kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và áp dụng các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt đối với Tehran khiến việc xuất khẩu dầu mỏ và nền kinh tế Iran xuống dốc thảm hại.
Hôm 17-6, Iran cảnh báo nước này sẽ sớm vượt qua lượng uranium đã làm giàu được cho phép theo thỏa thuận quốc tế nhằm tăng áp lực lên các bên ký kết châu Âu để cứu vãn thỏa thuận. Cơ quan năng lượng nguyên tử của Iran cũng đưa ra triển vọng tăng mức độ làm giàu vượt quá mức 3,67% được cho phép theo thỏa thuận vì mục đích hòa bình.
Tehran muốn châu Âu đảm bảo rằng Iran sẽ nhận được những lợi ích kinh tế được hứa hẹn theo thỏa thuận hạt nhân bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ. Cho đến nay INSTEX, phương tiện thanh toán của châu Âu cho phép Iran giao dịch lấy hàng hóa nhân đạo đã không được thực thi.
Bà Merkel cũng cảnh báo Iran về hậu quả nếu nước này vi phạm bất kỳ phần nào của hiệp ước hạt nhân, nhưng bà cũng lạc quan rằng Tehran sẽ tuân thủ các cam kết của mình.
"Chúng tôi mong rằng Iran sẽ tiếp tục duy trì thỏa thuận. Nếu không, đương nhiên sẽ có hậu quả", bà nói.