Những tháp Chàm và di tích lịch sử ở quê hương đã gây những dấu ấn sâu đậm trong tâm hồn tôi từ thuở thiếu thời. Sau hơn nửa thế kỷ tôi mới thăm lại khu lăng mộ Võ Tánh, cách tháp Cánh Tiên chừng 500 m. Cả hai di tích cùng nằm ở trung tâm thành Hoàng Đế - xa xưa là kinh đô Đồ Bàn của vương quốc Chiêm Thành. Thật bất ngờ khi từ ngoài cổng lăng tôi đã ngửi thấy mùi nhang khói và đèn đóm khắp khu lăng mộ vào lúc ngày sắp tắt. Thì ra hôm nay là ngày giỗ thứ 216 của Võ Tánh, do mấy người cháu đời thứ bảy từ Huế vào cúng tế. Ông Võ Dũng, một giáo viên hưu trí ở Huế, cho biết giỗ cụ tổ Võ Tánh năm nào ông và các em cũng đều vào lăng mộ ông làm lễ trang trọng. Mộ Võ Tánh nằm trong khuôn viên rất rộng bao quanh bằng tường đá ong. Mộ được đắp hình tròn, phía sau là tấm bình phong rất lớn có đắp phù điêu chữ TRUNG bằng chữ Hán. Cổng tam quan cổ kính được đắp nhiều phù điêu rất đẹp. Lăng Võ Tánh đã được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1982. Trước kia có mộ Ngô Tùng Châu hình chữ nhật nằm kế bên đã được cải táng về quê huyện Phù Cát (Bình Định) cách đó khoảng 10 cây số. Ngoài ngôi mộ lập tại nơi ông tự thiêu với một ít tro cốt, vua Gia Long đã lập thêm một ngôi mộ nữa cho ông ở Gia Định chôn hình nhân bằng sáp. Khu mộ ngày nay tọa lạc tại hẻm 19 đường Hồ Văn Huê, Phú Nhuận, TP.HCM.
Võ Tánh cùng với Đỗ Thanh Nhơn (không phải “Thành Nhơn” như lâu nay đã bị viết sai) và Châu Văn Tiếp là “Gia Định tam hùng” - những danh tướng của chúa Nguyễn Ánh. Xin nhắc lại đôi dòng về cái chết của Võ Tánh. Năm 1799, Võ Tánh theo Nguyễn Ánh đánh chiếm thành Quy Nhơn - tức thành Hoàng Đế - của nhà Tây Sơn và đổi tên thành Bình Định. Năm 1801, đại quân của chúa Nguyễn rút về Gia Định, thành Bình Định được giao lại cho Võ Tánh và Lễ bộ tham tri Ngô Tùng Châu trấn giữ. Ngay sau đó đại quân Tây Sơn do Thái phó Trần Quang Diệu và tướng Võ Văn Dũng đem quân đến bao vây. Trần Quang Diệu sai đắp lũy chung quanh và chia quân bao vây bốn mặt. Cuộc bao vây kéo dài đến 14 tháng, trong thành lương thực cạn. Ngày 27-5 năm Tân Dậu (tức 7-7-1801), Võ Tánh viết thư gửi Trần Quang Diệu xin tha chết cho binh sĩ trong thành, rồi ông sai thuộc hạ chất rơm củi dưới lầu bát giác, đổ thuốc súng vào rồi châm lửa tự thiêu. Tiếp đó Ngô Tùng Châu cũng uống thuốc độc tự vẫn. Sau khi chiếm được thành, Trần Quang Diệu cảm động trước sự trung dũng của hai ông đã sai người chôn cất tử tế Võ Tánh và Ngô Tùng Châu. Trần Quang Diệu cũng theo nguyện vọng của Võ Tánh, không giết hại binh sĩ nhà Nguyễn. Một nghĩa cử quân tử của vị danh tướng Tây Sơn. Đáng buồn và đáng trách, sau đó khi thắng trận, Nguyễn Ánh đã trả thù cực kỳ dã man đối với vua tôi nhà Tây Sơn bằng những cách hành hình ghê rợn. Đặc biệt nhất là đối với nữ tướng Bùi Thị Xuân - vợ của Trần Quang Diệu bằng cách cho voi giày, ngựa xé phân thây!
Mấy chục năm qua, từ sau ngày thống nhất đất nước, những lăng mộ các vua triều Nguyễn ở Huế vẫn được trùng tu, tôn tạo, cùng các di tích lịch sử liên quan tới triều Nguyễn vẫn được bảo quản, trong khi đó hầu hết những đường phố mang tên các vua quan triều Nguyễn đã bị xóa bỏ. đã có nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm về “công và tội” của triều Nguyễn cũng như những nhân vật lịch sử “có vấn đề” như Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký... Thiết nghĩ những công thần triều Nguyễn như Võ Tánh, Đỗ Thanh Nhơn, Nguyễn Huỳnh Đức, Trương Tấn Bửu, Võ Di Nguy... cũng nên được xem xét lại theo quan điểm lịch sử khách quan trong những bộ chính sử.