Tham dự buổi lễ có bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản-Văn hóa, cùng lãnh đạo hai địa phương nói trên.
Lãnh đạo Bộ VH-TT&DL cùng lãnh đạo hai tỉnh Đà Nẵng và Huế cắm cột mốc ở di tích lịch sử quốc gia Hải Vân Quan. Ảnh: TÂM AN
Ở độ cao 490 m so với mực nước biển, Hải Vân Quan nằm giữa đỉnh đèo Hải Vân thuộc địa phận hai tỉnh Thừa Thiên-Huế (phía Bắc) và TP Đà Nẵng (phía Nam).
Theo Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, công trình này được xây từ đời Trần và được trùng tu vào thời Nguyễn (năm Minh Mạng thứ bảy, 1826). Cửa trông về phủ Thừa Thiên đề ba chữ “Hải Vân Quan”, cửa trông xuống Quảng Nam đề “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” (theo sử sách thì đây là những dòng chữ do vua Lê Thánh Tông đề tặng).
Hải Vân Quan là công trình có giá trị kiến trúc và lịch sử lâu đời. Ảnh: TÂM AN
Hải Vân Quan là cụm bố phòng quân sự với nhiều công trình gồm hệ thống thành lũy, nhà kho, trụ sự, pháo đài thần công… Dưới triều Nguyễn đã tập trung lực lượng và vũ khí quy mô ở Hải Vân Quan để trấn giữ.
Theo ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Hải Vân Quan có lịch sử lâu đời, được xây dựng tại một vị trí có ý nghĩa chiến lược, góp phần kiểm tra con đường thiên lý Bắc-Nam. Từ đây có thể quan sát tàu thuyền ra vào cửa biển Đà Nẵng, đồng thời tổ chức phòng thủ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, bảo vệ kinh đô Huế.
Từ Hải Vân Quan nhìn toàn cảnh về TP Đà Nẵng đẹp vô cùng. Ảnh: TÂM AN
“Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, suốt thời gian dài di tích quan trọng này chưa được quan tâm quản lý, bảo vệ để nó xuống cấp trầm trọng, trở nên hoang phế như chúng ta nhìn thấy” - ông Dũng cho hay.
Bức xúc trước tình trạng này, thời gian qua lãnh đạo Thừa Thiên-Huế và TP Đà Nẵng đã cùng "xắn tay" chỉ đạo ngành văn hóa-thể thao hai địa phương phối hợp làm hồ sơ trình Bộ VH-TT&DL xếp hạng Hải Vân Quan là di tích lịch sử quốc gia.
Theo Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên, hai địa phương này cần tích cực hợp tác để tuyên truyền sâu rộng đến người dân, để có thể bảo vệ, phát huy những giá trị vô giá của di tích lịch sử Hải Vân Quan. Ảnh: TÂM AN
“Kết quả này thể hiện trách nhiệm của chúng ta đối với một di sản quan trọng của tiền nhân. Đồng thời thể hiện sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ giữa Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng từ lịch sử đến hiện tại. Đây có thể được coi là biểu tượng về tình đoàn kết của hai địa phương láng giềng” - ông Dũng nói.
UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế và UBND TP Đà Nẵng đã ký bản ghi nhớ phối hợp thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị Hải Vân Quan. Ảnh: TÂM AN
Từ trên cao nhìn xuống, TP Đà Nẵng được bao quanh là biển cả mênh mông. Theo ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản-Văn hóa, Bộ VH-TT&DL, việc Hải Vân Quan được xếp hạng di tích cấp quốc gia là cơ sở để các địa phương có di tích bảo tồn và phát huy tốt hơn giá trị đặc biệt của di tích này.
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL trao quyết định công nhận Hải Vân Quan là di tích lịch sử quốc gia. Ảnh: TÂM AN
“Hôm nay là một ngày đặc biệt với Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng. Việc xếp hạng di tích này vừa có ý nghĩa giữ lại một công trình có giá trị kiến trúc, lịch sử lâu đời của cha ông, vừa tạo tiền đề phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế cho người dân địa phương” - ông Thành cho hay.
Cũng ngay trong chiều nay, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế và UBND TP Đà Nẵng đã ký bản ghi nhớ phối hợp thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị Hải Vân Quan.
“Thời gian tới, hai địa phương cần tích cực hợp tác để tuyên truyền sâu rộng đến người dân, để có thể bảo vệ, phát huy những giá trị vô giá của di tích lịch sử Hải Vân Quan” - bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết việc công nhận Hải Vân Quan là di tích lịch sử quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với cả Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng. Đây là một dấu mốc quan trọng đối với hai địa phương khi tâm nguyện nhiều năm qua giờ mới thực hiện được.