Tính đến nay, nhóm tàu Địa chất hải dương 8 của Trung Quốc (TQ) tiếp tục vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam (VN). VN kiên quyết phản đối việc nhóm tàu Địa chất hải dương 8 của TQ tiếp tục các hành động vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của VN trên vùng biển của mình được xác định phù hợp với các quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Theo trang tin csis.org, ông Lucio Blanco Pitlo III, chuyên gia nghiên cứu của Đại học Manila (Philippines), nhận định: Trước các hành động hung hăng của TQ, VN càng có cơ hội vận động được sự ủng hộ của ASEAN và cộng đồng quốc tế.
TQ đang tăng cường can thiệp vào các hoạt động kinh tế biển hợp pháp của các quốc gia ven biển lân cận, cũng như gây áp lực lên các công ty nước ngoài buộc họ ngừng các hoạt động khai thác không chỉ trong vùng biển nằm trong yêu sách đường chín đoạn phi pháp của Bắc Kinh mà cả ở vùng nước liền kề.
Theo đó, TQ đã đặc biệt gia tăng sức ép đối với VN. Điều này có thể được quy cho một số yếu tố sau:
Thứ nhất, các cuộc thảo luận về vấn đề khai thác chung giữa Philippines và TQ mặc dù vẫn còn gây tranh cãi nhưng dường như đã được dàn xếp. Vì vậy, mũi nhọn tấn công bây giờ chỉ còn quay sang VN.
Thứ hai, trong bối cảnh VN kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng đóng góp cho sự phát triển hòa bình tại khu vực, trong đó chào đón sự hợp tác từ các doanh nghiệp nước ngoài. TQ triển khai các hoạt động phi pháp, xâm phạm biển VN, qua đó có ý đồ khiến doanh nghiệp nước ngoài do dự hoặc e dè trong việc vào cuộc ở biển Đông.
Tất nhiên, ý đồ hăm dọa và ngăn chặn của TQ không phải dễ thực hiện trong bối cảnh Mỹ-TQ đang căng thẳng thương chiến. Đồng thời, hai cường quốc đang đứng trước cuộc cạnh tranh mang tính chiến lược ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Thứ ba, áp lực cũng có thể được gây ra nhằm ảnh hưởng đến chính sách của VN với các nước thứ ba, đặc biệt là Mỹ và phương Tây.
Lý giải về hành động phạm pháp kéo dài và mở rộng của tàu Địa chất hải dương 8 ở biển VN, chuyên gia biển Đông Hoàng Việt, ĐH Luật TP.HCM, cho rằng TQ muốn gây sức ép với VN trong bối cảnh VN tăng cường hợp tác và mở rộng quan hệ với các nước phương Tây, trong đó có Mỹ - các nước thường chỉ trích sự hung hăng của TQ ở biển Đông. “Tương tự, đối với Philippines, TQ có ý đồ đẩy các nước thứ ba ra khỏi biển Đông, cô lập VN và muốn VN sập bẫy gác tranh chấp, cùng khai thác” - chuyên gia Hoàng Việt lý giải thêm.
Thứ tư, VN sẽ đảm nhận vị trí chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm tới và VN có thể sẽ sử dụng cơ hội này để dẫn dắt khu vực đẩy lùi các hành động hung hăng của TQ ở biển Đông.
Trong bối cảnh đó, TQ muốn gây sức ép lên VN với ý đồ ngăn cản VN đưa vấn đề biển Đông ra bên ngoài. Tuy nhiên, VN nhiều lần nêu quan điểm, lập trường về chủ quyền dựa vào luật quốc tế, mà điển hình là UNCLOS năm 1982. Điều đó đồng nghĩa biển Đông sẽ ngày càng trở nên phổ biến hơn trên các diễn đàn đa phương trong thời gian tới. Đó sẽ là sức ép lớn về mặt dư luận quốc tế, kèm theo đó là các chính sách ứng phó của các nước nhằm vào Bắc Kinh.
Dịp kỷ niệm 100 năm của Đảng Cộng sản TQ vào năm 2021 đang đến gần, việc TQ quyết định điều tàu khảo sát vào vùng biển của các quốc gia duyên hải lân cận như VN thể hiện mức độ chấp nhận rủi ro lớn hơn.
Cụ thể hơn, chiến thuật gây sức ép này của TQ có thể phản tác dụng theo nhiều trường hợp. Đặc biệt là điều đó có thể làm cho VN nâng cao hơn nữa quyết tâm bảo vệ lợi ích kinh tế biển; thúc đẩy chính phủ Mỹ ủng hộ các doanh nghiệp ngăn chặn áp lực từ TQ, và thúc đẩy ASEAN chặn đứng các ý đồ của TQ loại trừ các công ty nước ngoài khác đầu tư vào các dự án năng lượng ngoài khơi của họ.
Cơ sở pháp lý yếu kém của TQ đối với các yêu sách của họ vẫn là một lỗ hổng mà VN có thể chọn khai thác bằng cách đưa vụ việc của mình ra một cơ quan quốc tế, như Philippines đã làm vào năm 2013.
Theo PGS-TS Vũ Thanh Ca, ĐH Tài nguyên - Môi trường Hà Nội, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ - Tổng cục Biển và Hải đảo VN, VN có thể xem xét các khả năng xin tư vấn của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) và Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS) về việc diễn giải các phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực đối với vùng biển VN để tăng cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh của VN.
Đồng thời, VN cũng có thể sử dụng các kết quả tư vấn để vô hiệu hóa công hàm phản đối hồ sơ ranh giới ngoài của thềm lục địa VN do VN trình, cũng như do VN hợp tác trình lên Ủy ban Ranh giới ngoài của thềm lục địa Liên Hiệp Quốc.
Vì vậy, mặc dù có vẻ như TQ ra sức đe dọa các nước láng giềng ở biển Đông nhưng thực tế cho thấy rủi ro mà Bắc Kinh phải đối mặt nếu tiếp tục chiến thuật gây áp lực lên VN.