Dịch kéo dài, không để ai đứt bữa!

Thời gian qua, bên cạnh hoạt động chăm lo của chính quyền địa phương, nhiều đội, nhóm từ thiện trên địa bàn TP cũng có một số cách tiếp cận, hỗ trợ người nghèo phù hợp trong mùa dịch.

Tuy nhiên, việc hỗ trợ cả công - tư vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, người dân gặp khó khăn luôn trong trạng thái trông ngóng.

“Ráo mồ hôi” liền rơi vào thế ngặt

Gặp chúng tôi, chị Hà Thị Hồng (tạm trú khu trọ 79/9 Liên khu 8-9, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP.HCM) chia sẻ chị thất nghiệp hai tháng qua, lương của chồng cũng chỉ còn khoảng 4,5 triệu đồng/tháng. Số tiền này dùng để trang trải sinh hoạt phí cho bốn người trong gia đình và tiền trọ, điện, nước, thuốc men… Trong thời gian thất nghiệp, chị Hồng cũng cố gắng tìm việc nhưng không có nơi nào thuê.

Chị Hồng chia sẻ: “Thấy hoàn cảnh gia đình tôi, hàng xóm cũng thương nên cho đồ ăn, gạo muối. Mấy chị em khác có thực phẩm ở quê gửi vào cũng chia cho mấy con cá, miếng thịt. Hiện tại khu trọ gần trăm người, đa số chỉ nằm nhà, có gì ăn nấy”.

Ngập ngừng chốc lát, chị kể những lúc nhà không còn gì ăn, chị phải ra cửa hàng bách hóa, chợ… nhặt rau củ hư người ta bỏ để về nhà ăn tạm. Con gái nhỏ thèm sữa đòi khóc suốt, chị không cầm lòng được, đành chạy ra tiệm tạp hóa xin mua thiếu.

Bữa cơm gia đình chị Hồng đã có rau, cá của hàng xóm cho và lượm lặt ở cửa hàng bách hóa. Ảnh: NGỌC LÀI

Chị Hồng cho biết ngày 13-7, chủ nhà trọ có đến lấy danh sách người thuê phòng trong diện được hỗ trợ theo gói 886 tỉ đồng của TP, gửi đến UBND phường Bình Hưng Hòa A để được xem xét. Chị Hồng rất vui và hy vọng sớm được nhận tiền hỗ trợ hoặc nhu yếu phẩm.

Rơi vào tình cảnh như chị Hồng, gia đình chị Phạm Thị Hồng Thương (ngụ phường Bình Hưng Hòa) cũng mấy ngày rồi không được ăn thịt, cá. Chị Thương cho biết: “Tôi rửa chén cho cửa hàng ăn uống trong Siêu thị Aeon, quận Tân Phú. Dịch bùng phát, chỗ làm của tôi phải đóng cửa. Trước khi nghỉ, công ty có hỗ trợ gạo, mì gói và cho mỗi người 200.000 đồng. Ở nhà hoài thiếu tiền tiêu xài, tôi xoay qua bán vé số, lượm ve chai. Những ngày lượm được nhiều thì có tiền mua thịt, cá, không đủ thì ăn rau. Khi TP áp dụng Chỉ thị 16, tôi chỉ còn biết trông chờ quà từ thiện của UBND phường và tiền hỗ trợ từ TP”.

Theo chị Thương, mỗi tuần ban điều hành khu phố đều mang quà của UBND phường trao tặng gia đình chị gồm 3 kg gạo, 1 kg khoai, lâu lâu có thêm mì gói, trứng… để gia đình nhín nhịn qua ngày.

Ông Phạm Trọng Tạo (ngụ xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn) cũng lâm vào tình trạng trông ngóng tiền hỗ trợ. Bình thường ông chạy xe ba gác cũng đủ lo miếng ăn cho hai vợ chồng. Thế nhưng đến lúc dịch bệnh phải nghỉ ở nhà, ông không biết xoay đâu ra tiền trang trải cuộc sống.

Ông Tạo nói: “Cũng may tôi còn có cái nhà để ở chứ nhiều người còn nặng gánh tiền trọ. Lao động tự do như chúng tôi hễ “ráo mồ hôi” là đói”.

Chị Thương thất nghiệp chuyển sang bán vé số, lượm ve chai. (Ảnh chụp trước ngày 9-7). Từ ngày 9-7, chị phải ở nhà với tâm trạng lo lắng. Ảnh: NGỌC LÀI

Tại khu trọ ở đường số 4, phường Bình Hưng Hòa A, bà Trương Công Huê, ông Phạm Văn Trọng đều làm nghề bán vé số ở trọ tại đây.

Lúc chưa dịch, bà Huê bán vé số ngày nào thì đủ ăn ngày đó, con của bà làm công nhân thì lo tiền thuê nhà, điện, nước, chi phí phát sinh. Dịch bệnh, con thất nghiệp, bà nghỉ bán, hai mẹ con chẳng biết bám víu vào đâu. Ông Trọng vừa bán vé số vừa chạy xe ôm truyền thống. Ban ngày ông tranh thủ đưa rước mấy mối học sinh, chiều chiều bán thêm vé số để mưu sinh. Tiền kiếm được ông lo ăn uống, thuốc men cho hai vợ chồng. Ở trọ hơn 10 năm, ông Trọng không lận lưng được đồng nào dự phòng.

Ông Trọng, bà Huê cũng trong tình cảnh chưa “ráo mồ hôi” đã cạn tiền như những lao động tự do ở trên nhưng may mắn hơn là đã được nhận tiền hỗ trợ đợt này. Tuy vậy, họ vẫn chập chờn nỗi lo hằng đêm, có khi đến mất ngủ: Dịch bệnh kéo dài, biết lấy gì xoay xở.

Sự tích cực của các nhóm từ thiện

Bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền thì các đội nhóm từ thiện cũng tìm mọi cách để hỗ trợ người gặp khó ngặt trong mùa dịch này.

Những ngày gần đây, chúng tôi theo chân nhóm Sài Gòn chợ Lạc Xoong trao nhu yếu phẩm cho một số xóm trọ trên địa bàn quận Bình Tân. Dù đã khảo sát trước nhưng số lượng quà của nhóm như muối bỏ bể so với nhu cầu thực tế của người dân, luôn trong tình trạng thiếu thốn, phải lấy ở điểm này bù vào điểm khác.

Nhiều đội, nhóm từ thiện tại TP.HCM cũng rơi vào trường hợp tương tự. Anh Trang Thanh Hải, tình nguyện viên của đội cơm di động miễn phí, chia sẻ nhiều khi phát hết cơm rồi, trên đường về lại thấy quá nhiều hoàn cảnh khó khăn khác. Anh phải ghi nhớ lại địa điểm để hôm sau ghé trao cơm. Anh động viên các thành viên của đội: “Cứ vá chỗ này lại rách ra ở chỗ khác nhưng mỗi người cùng cố gắng chút, lo được cho ai thì lo”.

Mùa dịch này có vô vàn đội, nhóm từ thiện đang ngày đêm miệt mài như thế…

Nỗ lực của các địa phương

Ông ĐỖ AN NHÀN,Chủ tịch UBND phường 1, quận Gò Vấp:

Lo cho những người không đủ cơm ăn hằng ngày

Dịch kéo dài, trên địa bàn phường có rất nhiều người không còn nguồn thu nhập, thậm chí có những người không đủ cơm ăn hằng ngày. Ngoài những chính sách hỗ trợ của TP, Chính phủ, phường đã vận động mạnh thường quân hỗ trợ những suất cơm từ thiện, các nhu yếu phẩm cho người khó khăn. Từ lãnh đạo phường đến cán bộ đã vận dụng những mối quan hệ để kêu gọi hỗ trợ người dân. Đã có hàng ngàn ký gạo, hàng trăm suất quà, hàng tấn rau củ quả được trao cho người dân đang cách ly trong khu vực bị phong tỏa, người dân nghèo trên địa bàn phường. Ngoài ra, phường còn vận động một số mạnh thường quân tổ chức nấu những suất cơm để hằng ngày mang phát cho người dân khó khăn. Chúng tôi không hứa nhưng sẽ cố gắng hết sức để chăm lo tốt nhất có thể cho người dân đang rơi vào cảnh ngặt trong mùa dịch này.

Ông TRẦN VŨ HỮU DUY,Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh:

Để người dân nói không đủ ăn là mình có lỗi

Chúng tôi đang triển khai trao tiền hỗ trợ theo gói 886 tỉ đồng cho người dân. Bên cạnh đó, xã vẫn yêu cầu ấp, tổ trưởng, tổ COVID-19 cộng đồng liên tục rà soát, bổ sung đối tượng đúng theo hướng dẫn.

Quy trình lên danh sách, xét duyệt và trao tặng tiền cho người dân diễn ra trong vòng hai ngày. Hiện tại, huyện, xã làm việc luôn thứ Bảy, Chủ nhật và đến 21 giờ mỗi ngày để ưu tiên việc trao tiền hỗ trợ đến bà con.

Lực lượng của xã không có nhiều nhưng cố gắng lo cho bà con có cái ăn. Ở thời điểm này, để người dân nói không đủ ăn là mình có lỗi. xã cũng vận động mạnh thường quân hỗ trợ nhu yếu phẩm cấp thiết cho bà con khó khăn.

Ông NGUYỄN THANH CƯỜNGChủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam
phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân:

Vận động chủ nhà trọ giảm tiền phòng

Cũng như các địa phương khác, phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân) đã tổ chức vận động các mạnh thường quân hỗ trợ chăm lo cho người dân khó khăn trong những ngày dịch bệnh. Phường đã vận động và trao cho người dân gần 60.000 suất quà, trị giá hơn 3 tỉ đồng. Các suất quà gồm có tiền mặt, nhu yếu phẩm, gạo, trứng, rau củ quả…

Bên cạnh đó, phường còn vận động 132 chủ nhà trọ giảm tiền phòng cho thuê với số tiền mà những người dân khó khăn được giảm là hơn 700 triệu đồng.

Bà PHẠM TUYẾT ANHChủ tịch UBND phường 2, quận 3:

Nhận tiền là trao liền

Phường có 311 trường hợp được duyệt chi tiền hỗ trợ theo gói 886 tỉ đồng của TP. Hiện tại, phường đang triển khai trao tiền hỗ trợ này đến từng hộ dân. Việc xét duyệt đối tượng được nhận hỗ trợ rất chặt chẽ, đảm bảo công bằng, đúng đối tượng. Chúng tôi làm gấp, đẩy nhanh tiến độ, bất kể giờ giấc, vừa nhận tiền tại kho bạc là đưa về trao liền cho bà con. Chúng tôi đang tiếp tục lên danh sách hỗ trợ cho đợt tiếp theo. Bà con nào có ý kiến, thắc mắc về việc hỗ trợ sẽ được xem xét, nếu đúng diện nhận hỗ trợ thì sẽ bổ sung.

NGUYỄN HIỀN - NGỌC LÀI ghi 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm