Điện mật: Hàng chục nguồn tin của CIA tại nước ngoài bị bắt, giết, bị chiêu hồi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Các quan chức phản gián hàng đầu của Mỹ hồi tuần trước đã cảnh báo mọi trạm và căn cứ tình báo của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) trên toàn cầu về số lượng đáng lo ngại các nguồn tin được tuyển mộ từ các quốc gia khác để làm gián điệp cho Mỹ bị bắt hoặc bị giết. Thông tin này được tờ The New York Times ngày 5-10 dẫn các nguồn tin biết về vấn đề này.

Theo nội dung trong một điện mật bất thường, trung tâm phản gián của CIA đã xem xét hàng chục trường hợp trong vài năm qua liên quan những nguồn tin nước ngoài đã bị giết, bị bắt hoặc rất có thể bị chiêu hồi. 

Tuy có nội dung ngắn gọn, song điện mật đã nêu ra số lượng nguồn tin cụ thể bị các cơ quan tình báo của đối thủ thực hiện các hành vi trên - một chi tiết bí mật mà các quan chức phản gián Mỹ thường không nêu trong các điện mật như vậy.

Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Ảnh: SPORCLE

Điện mật "bất thường"

Theo The New York Times, điện mật mới đây của Mỹ đã nhấn mạnh cuộc đấu tranh mà cơ quan tình báo Mỹ đang đối mặt khi tuyển mộ gián điệp trên khắp thế giới trong những môi trường hoạt động khó khăn. 

Trong khi CIA có nhiều cách để thu thập thông tin tình báo để các nhà phân tích có thể soạn thảo thành các báo cáo gửi đến các nhà hoạch định chính sách, mạng lưới nguồn tin đáng tin cậy trên khắp thế giới vẫn là biện pháp trung tâm.

CIA trong 20 năm qua đã dành nhiều sự quan tâm tới các mối đe dọa khủng bố và các cuộc xung đột ở Afghanistan, Iraq và Syria. Song việc cải thiện khả năng thu thập thông tin tình báo về các cường quốc đối địch, cả lớn và nhỏ, một lần nữa là trọng tâm trong chương trình nghị sự của CIA, đặc biệt khi các nhà hoạch định chính sách yêu cầu hiểu rõ hơn về Trung Quốc và Nga.

The New York Times dẫn lời những nguồn tin đã tiếp cận điện mật cho biết cảnh báo này chủ yếu nhằm vào các nhân viên tình báo tuyến đầu, những người liên quan trực tiếp nhất đến việc tuyển mộ và xác minh nguồn tin. 

Điện mật nhắc nhở các nhân viên CIA cần không chỉ tập trung vào các cá nhân cần tuyển mộ mà còn vào các vấn đề an ninh bao gồm việc xác minh các nguồn tin và tránh sự phát hiện của các cơ quan phản gián đối phương.

Theo các cựu quan chức Mỹ, các điện mật thể hiện các xu hướng hoặc vấn đề đáng lo ngại hoặc thậm chí cảnh báo về các vấn đề phản gián mà CIA gửi tới các trạm và căn cứ trên khắp thế giới không phải là chưa từng thấy. 

Tuy nhiên, việc điện mật mới đây chỉ ra một số lượng cụ thể những nguồn tin bị đối phương bắt hoặc giết, vốn thường được giữ bí mật với ngay cả với lực lượng tại CIA, thể hiện mức độ chi tiết bất thường.

Thực trạng CIA hiện đối mặt

Thừa nhận rằng việc tuyển mộ gián điệp là một công việc có rủi ro cao, điện mật đã nêu ra những vấn đề khiến cơ quan này khó chịu trong những năm gần đây. Đó bao gồm nghiệp vụ kém; quá tin tưởng vào các nguồn; đánh giá thấp các cơ quan tình báo nước ngoài, và quá vội trong tuyển mộ những nguồn tin mà không chú ý đầy đủ các rủi ro phản gián tiềm ẩn - một vấn đề mà điện mật gọi là đặt “nhiệm vụ lên trên yếu tố an ninh”.

Biểu tượng của CIA trên nền quốc kỳ Mỹ. Ảnh: PR DAILY

Theo The New York Times. điện mật cũng cho thấy rằng CIA đã đánh giá thấp đối thủ của mình - họ tin rằng các sĩ quan và nghiệp vụ của họ tốt hơn các cơ quan tình báo khác. 

Điện mật còn cho biết con số nguồn tin chống lại Mỹ vẫn chưa được biết hết. Đôi khi, những nguồn tin bị các cơ quan tình báo đối phương phát hiện nhưng không bắt mà thay vào đó là chiêu hồi họ thành điệp viên hai mang để cung cấp tin giả cho CIA, điều có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thu thập và phân tích thông tin tình báo. 

Trong những năm gần đây, các cơ quan tình báo đối địch ở các nước như Nga, Trung Quốc, Iran và Pakistan đã “săn lùng” các nguồn tin của CIA và trong một số trường hợp đã  biến họ thành “gián điệp hai mang”.

Người Pakistan đã đặc biệt hiệu quả trong việc sử dụng biện pháp này, các cựu quan chức Mỹ cho biết.

Áp lực xây dựng mạng lưới gián điệp của CIA

Theo The New York Times, sự sụp đổ của chính phủ do Mỹ hậu thuẫn ở Afghanistan đồng nghĩa với việc tìm hiểu thêm về mối quan hệ của Pakistan với Taliban và các tổ chức cực đoan trong khu vực sẽ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. 

Do đó, CIA một lần nữa phải chịu áp lực xây dựng và duy trì mạng lưới gián điệp ở Pakistan.

Các thành viên của Taliban tại Căn cứ Đại bàng cũ của CIA ở Kabul vào tháng 9. Ảnh: VICTOR J. BLUE / THE NEW YORK TIMES 

Tương tự, việc các chính quyền Mỹ liên tiếp tập trung vào cạnh tranh quyền lực lớn và những thách thức của Trung Quốc và Nga đồng nghĩa với việc xây dựng mạng lưới gián điệp và bảo vệ các nguồn tin lại càng quan trọng.

Tại Bắc Kinh và Moscow, công nghệ cũng đang là một vấn đề, các cựu quan chức cho biết. 

Số lượng lớn những nguồn tin bị chiêu hồi trong những năm gần đây cũng cho thấy sức mạnh ngày càng tăng của các quốc gia khác trong việc sử dụng các công nghệ đổi mới như quét sinh trắc học, nhận dạng khuôn mặt, trí tuệ nhân tạo và các công cụ hack để theo dõi hoạt động di chuyển của các sĩ quan CIA nhằm tìm ra nguồn tin của họ.

Theo các cựu quan chức, một vụ vi phạm liên quan hệ thống thông tin liên lạc bí mật, hay còn gọi là “covcom”, đã dẫn đến việc làm lộ mạng lưới của CIA ở Trung Quốc và ở Iran. Trong cả hai trường hợp, những nguồn tin đều bị xử tử, trong khi những nguồn tin khác đã được CIA sơ tán khỏi quốc gia đó và tái định cư.

Tại Iran và Trung Quốc, một số quan chức tình báo tin rằng người Mỹ đã cung cấp thông tin cho các cơ quan đối địch, vốn có thể đã làm lộ những nguồn tin. 

Monica Elfriede Witt - một cựu trung sĩ Không quân Mỹ đào tẩu sang Iran - đã bị truy tố về tội cung cấp thông tin cho Tehran vào năm 2019. Phía Iran chỉ khai thác thông tin từ Elfriede Witt sau khi xác định rằng cựu sĩ quan không quân này đáng tin cậy. 

Cuối năm 2019, Jerry Chun Shing Lee - cựu nhân viên CIA – bị kết án 19 năm tù vì cung cấp bí mật cho chính phủ Trung Quốc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm