Cái nắng Tây Nguyên cuối tháng 4 hầm hập làm lưng áo anh Lương Văn Chiến (xã Đạ Lây, Đạ Tẻh, Lâm Đồng) ướt ròng nhưng đôi mắt anh lại lấp lánh niềm vui. “Bao nhiêu năm sống cảnh đèn dầu tăm tối, chiều nay mình phải mổ gà mừng đêm đầu tiên buôn làng có điện”. Quay sang chúng tôi, chị Mai - vợ anh cũng hồ hởi: “Từ bữa nghe xã nói sắp có điện, ảnh cùng với bà con trong thôn cứ hè nhau đòi nhậu một bữa cho đã đời. Cản lắm ảnh mới chờ đến chiều nay đấy!”.
Giã từ đèn dầu
Là đồng bào dân tộc Nùng, từ Thanh Hóa vào định cư tại Đạ Lây từ năm 1999, anh Chiến cùng với bà con nơi đây quanh năm lam lũ làm ăn. “Trời thương, năm nào cái nương cái rẫy cũng cho được mùa. Nhưng cực lắm, tới mùa điều, ban đêm phải chong đèn dầu bóc vỏ, ánh sáng leo lét, có bữa không thấy đường dao xóc đứt tay” - anh nói. Vợ anh chen vào: “Chỉ thương mấy đứa nhỏ buổi tối học bài không thấy đường, cứ viết chữ i ra chữ tờ, sáng mai cô giáo cho điểm kém”.
Chị Mai kể khi nghe điện sắp về, chồng chị nhẩm tính phen này quyết sắm cho chị cái máy bơm để chị tưới bầy heo đỡ cực. “Còn mấy đứa nhỏ cứ năn nỉ bố mẹ mua tivi. Chẳng biết sắp tới phải mua gì” - chị cười.
Anh Nông Duy Nhất, cán bộ mặt trận xã Đạ Lây, người cùng thôn với anh Chiến, nói mình cũng là một trong 12 hộ đồng bào dân tộc có chung niềm vui như anh Chiến. “Trên nói sắp tới sẽ kéo điện cho 12 hộ còn lại trong thôn. Trên lo hết, từ công tơ, dây điện đến công tắc, bóng đèn, chúng tôi chẳng phải bỏ ra đồng nào. Bà con chỉ lo tới tháng trả tiền điện thôi”.
Vừa có điện từ trước Tết, bà Ka Thị Phèn, người dân tộc Châu Mạ ở buôn Tố Lan, xã An Nhơn (Đạ Tẻh), nói qua mấy tháng trả tiền điện, bà mới thấy xài điện rẻ hơn dùng đèn dầu gấp nhiều lần. Là đảng viên có hơn 30 năm tuổi Đảng, bà Phèn luôn trăn trở chuyện học hành để nâng cao dân trí của buôn làng.
Buôn làng từ đây “sơ dah sơ dai”
“Từ đây buôn làng không cần ia bờ lạc (ánh trăng) nữa. Có điện, ban đêm sân nhà sẽ sáng như ia bờ rầy (mặt trời), buôn làng sẽ sơ dah sơ dai (sáng sủa), người lớn mặc sức lẩy ngô, bóc vỏ hạt điều, trẻ con tha hồ nô đùa” - Ya Thi, người dân tộc Chơ Ru, hãnh diện khoe những nét đổi thay ở cái thôn Phú Ao, xã Tà Hine (Đức Trọng, Lâm Đồng).
Khi chúng tôi ghé thăm, nhà Ya Thi thanh niên ngồi đầy phòng khách. Mọi người say sưa dõi theo bộ phim đang chiếu trên sóng VTV3. Anh nói: “Hôm nay vợ mình nó đi thăm rẫy, mình ở nhà trông “con vợ còn lại””. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, Ya Thi cười khoái trá: “Kia kìa, “con vợ hai” tui mới mua về khi có điện đấy”. Thì ra đó là cái tivi màn hình màu mới cáu. Ya Thi kể khi chưa có điện, nhà anh xài cái tivi trắng đen bằng bình ắc-quy, có bữa phim đang hay bỗng bình hết điện, ấm ức mà chẳng làm gì được. “Giờ thì coi cả ngày cũng chẳng sao nhưng tới mùa là phải đi làm để còn có tiền mua tủ lạnh nữa chớ” - Ya Thi lại cười.
Ông Mo Lon Thanh, Phó Bí thư xã Tà Hine, cho biết đến nay có hơn 90% dân trong xã đã có điện. “Xã đang bàn chuyện làm đài phát thanh không dây, vừa để thông báo chủ trương, chính sách của huyện, xã, vừa phát chương trình ca nhạc, đá banh cho bà con giải trí sau giờ làm rẫy mỏi mệt. Các anh thấy đấy, có điện lợi lắm, buôn làng xa xôi bây giờ không còn hẻo lánh nữa đâu. Bà con đồng bào phấn khởi vô cùng” - ông Thanh nói.
Dự án điện về thôn, buôn Công ty Điện lực 2 cho biết dự án cấp điện cho các thôn, buôn chưa có điện tại tỉnh Lâm Đồng là một trong năm dự án thuộc Chương trình cấp điện cho năm tỉnh Tây Nguyên (Lâm Đồng, Dăk Nông, Dăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum) của Chính phủ. Mục tiêu của chương trình là đầu tư xây dựng các hạng mục lưới trung, hạ áp đảm bảo cấp điện cho 1.200 thôn, buôn với hơn 116 ngàn hộ và sẽ hoàn thành vào cuối năm 2009. Hiện Công ty điện lực 2 cùng Điện lực Lâm Đồng đang khẩn trương xây lắp để nối điện cho hơn 19.700 hộ dân trên địa bàn 475 thôn, buôn thuộc 116 xã của 12 huyện, thị của tỉnh với tổng mức đầu tư hơn 207 tỷ đồng. Phó Giám đốc Điện lực Lâm Đồng Nguyễn Văn Minh cho biết sau một năm khởi công, công trình đã đạt được 65% và dự kiến hoàn tất, đóng điện đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho đồng bào dân tộc của tỉnh vào quý III-2009. |
THÁI BÌNH