Thế giới vẫn đang gặp nhiều khó khăn với sự gián đoạn các chuỗi cung ứng, tuy nhiên tác động với châu Á nhẹ hơn, nhà bình luận Anjani Trivedi chuyên viết về hoạt động doanh nghiệp châu Á nhận định trong một bài viết trên hãng tin Bloomberg. Theo bà, các chuỗi cung ứng thực sự phát triển tốt hơn ở một số nơi - đặc biệt là ở châu Á - bất chấp những thách thức kể từ năm 2020 khi đại dịch COVID-19 khuấy động thương mại toàn cầu.
Tại Mỹ, từ cuối năm 2020, một loạt công ty thuộc chỉ số chứng khoán S&P 500 liên tục phàn nàn về áp lực chuỗi cung ứng. Gần đây nhất, trong tháng này, các giám đốc điều hành của Tập đoàn Dover Corp của Mỹ (sản xuất các sản phẩm công nghiệp) thừa nhận khả năng phải chậm trễ với khách hàng “đối với nhiều đợt giao hàng xét theo chuỗi cung ứng”.
So với các công ty Mỹ, các công ty ở Nhật và Hàn Quốc ít phàn nàn về chuỗi cung ứng hơn. Kết quả tài chính báo cáo tháng 7 cho thấy Hitachi Ltd - một trong những tập đoàn công nghiệp lớn nhất của Nhật với hoạt động kinh doanh khổng lồ ở Trung Quốc (TQ) - lưu ý rằng “không có sự gián đoạn chuỗi cung ứng nào” trong quý đầu tiên. Nhiều công ty lớn khác chia sẻ về các bước họ đã thực hiện để cải cách hoặc tái thiết kế các luồng thương mại.
Khi quy mô thương mại ở châu Á tăng lên, sự phụ thuộc lẫn nhau cũng tăng theo. Nguyên liệu, linh kiện và hàng hóa chế biến, tiêu dùng được luân chuyển tự do và với khối lượng lớn giữa các quốc gia. Khi nhu cầu của TQ đối với các sản phẩm có giá trị cao hơn tăng lên, các đối tác thương mại đã điều chỉnh mặt hàng xuất khẩu. Chỉ số Herfindahl-Hirschman, một thước đo mức độ tập trung của thị trường, cho thấy Hàn Quốc đang xuất khối lượng hàng hóa chuyên dụng lớn hơn sang TQ.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol (thứ ba từ trái sang) và Tổng thống Mỹ Joe Biden (thứ hai từ trái sang) thăm một nhà máy sản xuất chip của Samsung Electronics ở TP Pyeongtaek thuộc tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc) ngày 20-5 để bàn tăng hợp tác quản lý chuỗi cung ứng. Ảnh: NEWS1 |
Dòng chảy các sản phẩm công nghệ cao, máy móc công nghiệp và tư liệu sản xuất giữa Hàn Quốc và TQ đạt mức 300 tỉ USD trong năm 2021, nhiều nhất kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ kinh tế năm 1992, theo số liệu Ngân hàng Mỹ (BOA) cung cấp. Thiết bị công nghiệp, máy móc có độ chính xác cao và chất bán dẫn chiếm gần 40% xuất khẩu của Hàn Quốc trong sáu tháng đầu năm nay. Xuất khẩu máy móc và thiết bị điện của Nhật sang TQ cũng tăng lên.
Nguyên nhân giúp châu Á cứu được chuỗi cung ứng, theo bà Trivedi, là nhờ các doanh nghiệp ở châu Á đã làm tốt trong việc ứng xử những thay đổi địa chính trị, tập trung xây dựng kho dự trữ và đa dạng hóa sản phẩm, duy trì quan hệ thương mại thông suốt.
Các công ty chuyên môn hóa sản phẩm khi nhu cầu của các đối tác thương mại phát triển - như đã diễn ra ở TQ, Nhật và Hàn Quốc. Hoạt động này sẽ thu hút được nhiều nhà cung cấp và nhiều quốc gia hơn, giao dịch sẽ gia tăng về số lượng và đa dạng về mặt hàng. Sức mạnh của các chuỗi cung ứng nằm ở khả năng điều chỉnh theo sự thay đổi của kinh tế vĩ mô.
Cuối cùng, ưu tiên của các doanh nghiệp là kinh doanh, không phải địa chính trị. Chi phí cơ hội khi hành động theo các luận điệu chính trị với việc thay đổi dây chuyền sản xuất và chuyển nhà máy là quá cao. Các công ty không thực hiện những thay đổi dài hạn lớn dựa trên tuyên bố chính trị.