Sáng 5-5, Sở GTVT Đà Nẵng tổ chức hội thảo cho ý kiến đánh giá về các phương án xây dựng hai nút giao phía Tây cầu Rồng và phía Tây cầu Trần Thị Lý.
Theo ông Lê Văn Trung (Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng), Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, đã thống nhất chủ trương nghiên cứu đầu tư hai nút giao này.
Báo cáo tại hội thảo, ông Bùi Hồng Trung (Phó Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng) cho hay có ba phương án đề xuất cho nút giao phía Tây cầu Rồng.
Phối cảnh hai hầm đơn nút giao phía Tây cầu Rồng. Ảnh: Sở GTVT Đà Nẵng
Trong đó, phương án thiết kế nút giao đồng mức của bà Trần Thị Nam Phương (Hội cầu đường) được cho là tổ chức giao thông còn phức tạp do các dòng xe vào nút luôn luôn bị giao cắt, không thuận lợi.
“Phương án làm nút giao khác mức bằng cầu vượt do ảnh hưởng nhiều đến kiến trúc cảnh quan khu vực đặc biệt là công trình Cổ Viện Chàm nên đề xuất xem xét không nghiên cứu phương án này”, ông Hồng Trung nói.
Từ đó, các đơn vị tư vấn đề xuất phương án giao khác mức bằng hầm chui tại nút. Cụ thể, phương án xây dựng hai hầm đơn riêng biệt được nhiều chuyên gia đồng tình.
Ở phương án này, TP sẽ xây dựng hai hầm gồm một hầm nối liền đường Trần Phú với đường 2 Tháng 9 (dài 120 m) và một hầm nối liền Bạch Đằng (nối dài) đến Bạch Đằng (dài 120 m).
Chiều dài đoạn hầm hở mỗi bên 110-130 m. Bề rộng mỗi hầm 8 m. Từ đó, dải phân cách được đóng lại, xóa bỏ hoàn toàn giao cắt tại các nút giao. Kinh phí xây dựng dự kiến 350 tỉ đồng.
Đồng tình với phương án trên, ông Nguyễn Trọng Nghĩa (giảng viên khoa Kết cấu công trình - ĐH GTVT Hà Nội) cho rằng việc làm hai hầm sẽ giải quyết tốt vấn đề ùn tắc.
Tuy nhiên, ông Nghĩa lưu ý hướng lưu thông từ sân bay Đà Nẵng về đường Bạch Đằng cần tránh việc trộn dòng phương tiện. Ngoài ra, đường nối Bạch Đằng (nối dài) xuống 2 Tháng 9 dễ gây xung đột và trộn dòng.
Theo PGS-TS Phan Cao Thọ (Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng), cần phải có phương án phân luồng từ xa để tránh xung đột chứ không phải chỉ giải quyết ngay tại trục chính.
Phối cảnh nút giao ba tầng phía Tây cầu Trần Thị Lý. Ảnh: Sở GTVT Đà Nẵng
Tại nút giao phía Tây cầu Trần Thị Lý mà Pháp Luật TP.HCM từng thông tin, nút giao được thiết kế với quy mô ba tầng. Tầng trên cùng bố trí cầu vượt thép trên đường 2 Tháng 9 (dài 203 m).
Tầng mặt đất làm vòng xoay, tầng dưới cùng bố trí hầm chui trên đường Duy Tân kéo dài hầm qua nút Duy Tân-Núi Thành và nút Duy Tân-Bạch Đằng nối dài (750 m).
Với phương án thiết kế này, TP sẽ không phải giải phóng mặt bằng mà chỉ xén vỉa hè. Tổng kinh phí đầu tư dự kiến 520 tỉ đồng.
Ông Lê Văn Trung cho hay trên cơ sở các ý kiến đóng góp từ chuyên gia trên cả nước, Sở GTVT sẽ tổng hợp, trình UBND TP xem xét phương án tối ưu nhất.
Sau đó, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ cho ý kiến cuối cùng. Dự kiến hai dự án trên sẽ được khởi công vào cuối năm 2018.