Mỗi năm cần 13 tỉ USD đầu tư Quy hoạch điện VIII

Tại hội thảo lần 2 “Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045” (Quy hoạch điện VIII) do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương phối hợp cùng Viện Năng lượng tổ chức sáng 28-9, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết Đề án quy hoạch điện VIII cơ bản đã hoàn thành theo đúng kế hoạch.

"Dự kiến Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tháng 10-2020" - ông Vượng cho biết.

Theo Chương trình phát triển nguồn điện giai đoạn tới năm 2030, dự kiến tổng công suất nguồn điện sẽ tăng thêm khoảng gần 80.000 MW so với năm 2020. Trong đó các nguồn điện lớn như các nhà máy nhiệt điện than, khí và LNG dự kiến sẽ tăng thêm khoảng trên 30.000 MW; các nhà máy điện gió onshore, offshore và điện mặt trời dự kiến tăng thêm khoảng gần 30.000 MW.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, phần lớn các nguồn điện này đều tập trung nằm xa trung tâm phụ tải. Vì vậy, công tác phát triển lưới truyền tải để giải tỏa công suất các nguồn điện này đặt ra nhiều nội dung cần xem xét và nghiên cứu.

Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng. Ảnh: BCT

Kết quả nghiên cứu của Đề án chỉ ra xu hướng truyền tải điện sẽ có nhiều thay đổi trong thời gian tới. Thay vì truyền tải điện từ miền Bắc vào miền Nam như những năm qua, chiều truyền tải có xu hướng thay đổi dần theo chiều ngược lại.

"Chính phủ đã có chủ trương cụ thể về triển khai nhập khẩu điện từ các nước trong khu vực. Tuy nhiên, quá trình triển khai nhập khẩu điện chưa đạt được kết quả như mong đợi, làm ảnh hưởng tới việc liên kết lưới điện" - ông Vượng cho biết.

Theo đó, trong Đề án lần này, vấn đề liên kết lưới điện đã được Bộ Công Thương nghiên cứu kỹ lưỡng và đề xuất các giải pháp triển khai nhằm hiện thực hóa các chủ trương liên kết lưới điện của Chính phủ. Việc này không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của nước ta trong giai đoạn tới, quan trọng hơn là tạo ra sự liên kết mạnh giữa hệ thống điện Việt Nam và các nước trong khu vực, hướng tới thị trường điện cạnh tranh.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: BCT

Trước đó, Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã được đưa vào triển khai, thực hiện được gần 10 năm. Nhìn chung, tình hình thực hiện Quy hoạch đạt được nhiều kết quả tốt, đáp ứng cơ bản nhu cầu phụ tải với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 10,5%/năm.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua ngành điện đối mặt với nhiều thách thức lớn như nhu cầu điện đang tăng trưởng cao, hệ số đàn hồi điện/GDP còn ở mức cao. Sự phát triển của nguồn điện không cân đối với nhu cầu phụ tải giữa các vùng miền, tình hình triển khai nhiều dự án nguồn điện lớn. Đặc biệt là các dự án nhiệt điện than còn chậm tiến độ, các địa phương chủ yếu ủng hộ các nguồn điện lớn theo xu hướng xanh, sạch...

Trong bối cảnh đó, việc lập Quy hoạch điện VIII được mong đợi sẽ đề ra các giải pháp toàn diện để giải quyết vào tháo gỡ các nút thắt hiện nay trong phát triển điện lực.

Theo Bộ Công Thương, quá trình thực hiện Quy hoạch điện VIII cũng gặp không ít thách thức. Lý do là bởi nhu cầu điện vẫn tăng trưởng với tốc độ cao nhưng các nguồn năng lượng sơ cấp ngày càng khan hiếm. Để đảm bảo cung ứng điện tới năm 2030, Việt Nam dự kiến phải nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn LNG, 35,1 triệu tấn than vào năm 2025 và tăng dần tới 8,5 triệu tấn LNG và 45 triệu tấn than vào năm 2030.

Cạnh đó, nhu cầu vốn đầu tư hàng năm cho chương trình phát triển nguồn và lưới điện lên tới khoảng 13 tỉ USD/năm giai đoạn 2021-2030, trong khi yêu cầu ngày càng cao về môi trường của các tổ chức quốc tế trong việc xem xét các khoản tín dụng hỗ trợ phát triển nguồn và lưới điện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm