Tìm cách bảo vệ tài xế, shipper mùa dịch

Hiện nay, chỉ tài xế, shipper (người vận chuyển hàng hóa) là những người được phép vận chuyển hàng hóa thiết yếu trong thời gian TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16. Tuy nhiên, không ít người đã phải chọn biện pháp nghỉ việc để đảm bảo an toàn cho mình.

Theo Sở GTVT, thời gian qua, TP đã có 10.000 tài xế được tiêm vaccine. Trong đó có 4.000 tài xế xe tải, 6.000 tài xế taxi, xe buýt (nhóm tài xế taxi mới tiêm được khoảng 1.000 người). Hiện TP đang tiếp tục tổng hợp danh sách với khoảng 7.000 tài xế taxi và 8.000 tài xế xe tải cần phải tiêm vaccine.  

Lý do nhiều tài xế xin nghỉ việc

Anh Nguyễn Thái Hưng (quận 12, TP.HCM), một shipper công nghệ, cho biết khi COVID-19 bùng phát ngày càng căng thẳng vào đầu tháng 6, khách hàng ngày càng ít, năng suất không đạt, chi phí vận chuyển cũng tăng cao nên anh đã quyết định tạm ngưng công việc, chờ dịch ổn định.

Theo anh Hưng, thời điểm này các điểm giao nhận hàng hóa chủ yếu là các khu phong tỏa, giãn cách xã hội nên khi giao hàng anh cố gắng đứng xa để đảm bảo giãn cách. Dù vậy nhiều khách hàng cũng có tâm lý lo ngại tài xế di chuyển nhiều, nguy cơ nhiễm
COVID - 19 cao nên khá e dè khi tiếp xúc. “Tất cả vì sức khỏe bản thân, gia đình nên tôi đành tạm ngưng công việc, hạn chế di chuyển. Tôi hy vọng sớm được tiêm vaccine để đảm bảo sức khỏe cho mình và khách hàng trong mùa dịch này” - anh Hưng chia sẻ.

Tương tự, anh Nguyễn Minh Hiển (huyện Hóc Môn), quản lý nhóm tài xế chuyên chở thực phẩm từ tỉnh về TP.HCM, cho biết hiện nay trong nhóm của anh có nhiều tài xế xin nghỉ, không dám chạy một phần do dịch bệnh bùng phát, một phần do chi phí xét nghiệm, thủ tục nhiêu khê.

Theo anh Hiển, việc chở hàng hóa trong thời điểm này rất khó khăn, tài xế muốn thông qua các chốt kiểm soát dịch mất khá nhiều thời gian. Hơn nữa, khi xin được giấy xét nghiệm cũng rất tốn thời gian mà thời hạn quá ngắn. Thậm chí còn phải chịu chi phí xét nghiệm khiến nhiều tài xế ngán ngẩm.

“Trong quá trình đi làm, tài xế cũng bị phân biệt đối xử bởi chúng tôi có thể là nguồn lây bệnh bất cứ lúc nào. Do đó, chúng tôi cũng phải tự trang bị để đảm bảo sức khỏe cho mình và những người xung quanh. Tuy nhiên, tài xế là những người hay đi tỉnh này tỉnh kia nên mong muốn được tiêm ngừa để an tâm làm việc. Đặc biệt là tài xế vận chuyển hàng hóa thiết yếu” - anh Hiển nói.

Để đảm bảo hoạt động cho tài xế trong mùa dịch, anh Hiển cũng đề xuất phương án hỗ trợ chỗ ăn ở cho các tài xế tới khi hết dịch. Như vậy, tài xế mới có thể yên tâm làm việc, có thu nhập và không lây bệnh cho gia đình nếu chẳng may nhiễm COVID-19...

Lo lắng dịch bệnh phức tạp, nhiều tài xế, shipper chọn phương án nghỉ việc. Ảnh: ĐÀO TRANG

Cần ưu tiên tiêm vaccine cho tài xế

Trao đổi với PV, đại diện Grab Việt Nam cho biết trong đợt dịch lần này số lượng tài xế hoạt động đã giảm so với các đợt dịch trước. Để hỗ trợ, khuyến khích tài xế làm việc, Grab Việt Nam đã có nhiều hỗ trợ như thưởng đơn hàng, doanh số; tài xế bị cách ly cũng có chính sách hỗ trợ...

Đại diện Grab Việt Nam cũng cho rằng để đảm bảo an toàn cho tài xế và xã hội thì nhóm đối tượng này cần được ưu tiên tiêm vaccine. Grab Việt Nam hy vọng đối tác tài xế của Grab sẽ được tiêm ngừa trong thời gian tới.

Trái lại, ứng dụng gọi xe be cho biết những ngày gần đây be nhận được yêu cầu về giao hàng và đi chợ hộ tại TP.HCM tăng 1.000% (gấp 10 lần) mỗi khung giờ so với mức trung bình của các ngày gần kề trước đó. Lượng yêu cầu tăng cao này dẫn đến việc tài xế phải hoạt động tối đa công suất.

Để đáp ứng nhu cầu tăng cao, phía be đang nỗ lực khuyến khích tài xế tăng thời gian phục vụ khách hàng. Đồng thời điều phối cân đối nguồn cung tại các khu vực theo nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, be đang có chương trình hỗ trợ tài xế beCar chuyển đổi tạm thời sang dịch vụ beBike để kiếm thêm thu nhập trong mùa dịch. Các tài xế của be cũng được tăng ưu đãi khi nhận chuyến tại TP.HCM. Hiện be cũng kiến nghị được ưu tiên tiêm vaccine cho nhóm đối tượng này.

Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, cho rằng để đảm bảo vận chuyển hàng hóa thì doanh nghiệp phải linh động từ động viên tinh thần tới việc chủ động cho tài xế tiêm ngừa vaccine. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp cũng đã chịu chi phí xét nghiệm cho nhóm tài xế vận chuyển nguồn hàng thiết yếu về TP.HCM. Đây cũng là một trong những phương án để tài xế yên tâm hơn.

Theo ông Quản, để giải quyết dứt điểm vấn đề này, hiệp hội đã có kiến nghị gửi Sở GTVT TP và các đơn vị liên quan đề nghị ưu tiên tiêm vaccine cho nhóm tài xế. Bên cạnh đó, Nhà nước có chủ trương tiêm lưu động ở các bến bãi, biên giới để tài xế tiếp cận hết nguồn vaccine.

Theo lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM, trong đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng mô tô được phép hoạt động và phải thực hiện theo các hướng dẫn. Đối với đơn vị cung ứng dịch vụ ứng dụng công nghệ cần lập và lưu trữ trên phần mềm danh sách phương tiện, tài xế, hành khách đặt hàng, tuyến đường và các địa điểm trong quá trình di chuyển… để cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền.

Đối với hoạt động vận tải hàng hóa đường bộ bằng ô tô, tài xế, người bốc xếp hàng hóa theo xe được xét nghiệm SARS-CoV-2. Các phương tiện vận chuyển hàng hóa từ TP.HCM đi các tỉnh, TP và từ các tỉnh, TP đến TP.HCM và phương tiện đi qua địa bàn TP.HCM sẽ được Sở GTVT tạo luồng xanh cho phương tiện vận chuyển được ưu tiên.•

 

Xử lý tài xế tự do giao hàng ở các chốt kiểm soát

Ghi nhận của PV trên các hội nhóm giao hàng xuất hiện tình trạng shipper tự do đi giao hàng ở nhiều điểm dịch, khu phong tỏa. Nhóm giao hàng này làm việc trực tiếp với khách hàng và người dân, không thông qua một phần mềm nào. Như vậy khi có tình trạng lây nhiễm xảy ra, cơ quan chức năng sẽ khó truy vết và đây cũng là nhóm có nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo Sở GTVT TP cho biết trường hợp người dân tự do làm tài xế, giao hàng thì các quận, huyện sẽ kiểm tra và xử lý tại các chốt kiểm soát dịch.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm