Chị Minh Thư, phụ trách kinh doanh của một cơ sở sản xuất đồ trẻ em, đang tìm mua vải nỉ. Chị cho biết khi yêu cầu bên bán chứng minh nguồn gốc sản phẩm thì những người chào hàng đều phải nói thật là hàng nhập khẩu và công ty chỉ làm thương mại mà thôi, không được rõ về chất lượng vải. Những DN Việt Nam chuyên về ngành dệt cũng không cung cấp được chứng từ chứng minh chất lượng vải.
Tương tự chị Minh Thư, bà L., Giám đốc một công ty giày da, cho biết khó khăn lắm công ty mới tìm được nhà cung cấp nội địa về phụ liệu như chỉ, đế giày. Tuy nhiên, nhà cung cấp này thường xuyên chậm giao hàng và bị lỗi, làm chậm tiến độ gia công hàng. Cuối cùng công ty của bà L. phải nhập khẩu cho kịp gia công.
Chị Minh Thư cho biết sau khi gặp khó khăn trong việc tìm nhà cung cấp, chị đã thử tìm nguồn vải nhập khẩu ở các nước lân cận thông qua Internet. Có khá nhiều website thương mại điện tử của Trung Quốc, Nhật giới thiệu về doanh nghiệp, thông tin khá rõ ràng về sản phẩm lẫn chất lượng. Chị cho rằng nếu DN Việt Nam cũng có một sàn giao dịch như vậy thì các DN dễ dàng tìm đến nhau hơn.
Đồng tình với giải pháp của chị Thư đưa ra, bà Châu Hồng Anh, kỹ sư hóa chất của Công ty Châu Anh Gia, cho biết DN nước ngoài cứ thắc mắc về việc sao ít thấy DN Việt Nam quá vậy. Đi tìm DN Việt khó ghê! Sao không ai làm cái “sàn” cho sản phẩm, nguyên phụ liệu “made in Vietnam”? Có ai muốn tìm hàng “made in Vietnam” thì vô sàn đó tìm cho dễ.
Các DN sản xuất hàng “made in Vietnam” giới thiệu rõ về công ty, mặt hàng, khả năng cung cấp để có thể tìm đến nhau. Bà L. bổ sung thêm: “Nếu không tìm được một DN cụ thể nào đúng ý thì cũng có thể thông báo đặt mua hàng trên sàn để các DN cùng ngành biết thông tin”.
Thay vì đi khắp các website thương mại điện tử để tìm nhau, DN có thể tìm nhau trên cùng một sàn chuyên về nguyên phụ liệu và sản phẩm Việt Nam. Hiện nay có nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử nhưng chủ yếu vẫn là sàn cho hàng tiêu dùng như quần áo, giày dép, máy tính, dịch vụ ăn uống, du lịch... và người tìm mua chủ yếu là người tiêu dùng cuối cùng chứ không phải DN.
Có một số tên miền đã được đăng ký liên quan đến “made in Vietnam”. Tuy nhiên, phần lớn lại đang được rao bán tên miền chứ không hoạt động nhằm mục đích tạo sàn cho nguyên phụ liệu, sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.
QUỲNH NHƯ