Doanh nghiệp góp ý thêm về mô hình '3 tại chỗ'

Nhiều hiệp hội, doanh nghiệp (DN) thống nhất cho rằng cùng với mô hình “ba tại chỗ” (3T - ăn tại chỗ, ngủ tại chỗ, sản xuất tại chỗ), nên mở rộng thêm các mô hình mới theo hướng đa dạng và phong phú. Qua đó để DN có sự lựa chọn phù hợp với điều kiện của mình, chứ không nên bắt buộc phải theo một mô hình cứng nhắc, rập khuôn.

Một doanh nghiệp đang áp dụng mô hình “ba tại chỗ” - ăn tại chỗ,
ngủ tại chỗ, sản xuất tại chỗ. Ảnh: MP

Đang thực hiện tốt 3T vẫn dừng sản xuất

Một cuộc khảo sát đối với 85 công ty vừa được Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (Bifa) thực hiện cách đây vài ngày. Kết quả cho thấy có 62 công ty tham gia 3T, số còn lại không tham gia, tạm dừng sản xuất.

Trong 62 đơn vị tham gia 3T thì sau đó tiếp tục có bốn công ty phải tạm dừng hoạt động vì xuất hiện ca F0. Đáng lưu ý, có 10 công ty dù đang thực hiện tốt 3T nhưng vẫn quyết định dừng hoạt động vì lo ngại rủi ro khi chứng kiến F0 lan vào một số nhà máy thời gian qua. Điều may mắn là 48 công ty còn lại vẫn đang an toàn, hoạt động bình thường.

Ông Nguyễn Phúc, Phó Chủ tịch Bifa, đánh giá “chi phí cao, rủi ro cao” chính là lý do khiến nhiều công ty dù đang thực hiện tốt 3T, chưa xuất hiện F0 nhưng vẫn quyết định tạm dừng hoạt động. Đặc biệt, họ rất sợ khi để xảy ra F0 thì trách nhiệm của họ rất nặng nề.

Mặt khác, do áp dụng mô hình 3T gấp gáp, chỉ được chuẩn bị trong vòng 24-48 giờ đồng hồ nên có điểm bất cập, chưa phù hợp. Ví dụ như ở Bắc Giang, sau khi sàng lọc đầu vào có kết quả âm tính với COVID-19, công nhân sẽ được đưa vào vùng đệm để tiếp tục theo dõi rồi mới vào nhà máy.

Nhưng với các công ty 3T tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, đa số sau khi xét nghiệm có kết quả âm tính, người lao động đều được đưa vào sản xuất luôn. Cạnh đó, biến chủng virus SARS-CoV-2 đợt này được đánh giá là nguy hiểm, tốc độ lây lan nhanh và mạnh hơn nhiều so với các đợt trước.

Từ thực tế trên dẫn đến những luồng ý kiến trái chiều về việc áp dụng 3T. Có người cho rằng phải dừng ngay vì lo ngại xuất hiện các ca bệnh, chùm ca bệnh như thời gian qua. Nhưng cũng có nhiều đơn vị cho rằng họ đang áp dụng 3T rất tốt nên không muốn dừng...

“Vậy nên đa phần các đơn vị sản xuất, kinh doanh mong muốn có thêm các mô hình mới như 3T, 2T (ăn tại chỗ, làm việc tại chỗ). Nghĩa là tùy vào điều kiện từng công ty mà họ sẽ lựa chọn mô hình phù hợp với mình. Những đơn vị không có điều kiện để áp dụng 3T thì họ sẽ áp dụng 2T để giảm áp lực ăn, ngủ tại chỗ” - ông Phúc nêu ý kiến.

Không mặc một chiếc áo chung cho tất cả

Tại buổi làm việc với các công ty thực phẩm TP.HCM mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Khi Bắc Giang, Bắc Ninh đưa ra mô hình 3T, tôi nói ngay DN chỉ thực hiện được tối đa trong 2-3 tuần. Tôi cũng nhắc TP.HCM ngay từ đầu là không bê nguyên mô hình ba tại chỗ của Bắc Giang, Bắc Ninh vào được. Đó chỉ là giải pháp tạm”.

Phó thủ tướng cũng kêu gọi các công ty hiến kế phương thức tổ chức sản xuất sao cho hiệu quả, an toàn. “Không bao giờ mặc một chiếc áo chung cho tất cả DN” - Phó thủ tướng nói.

Người lao động “3T” mong được về nhà

Tính đến ngày 10-8, Công ty TNHH Cao Phát (Bà Rịa-Vũng Tàu) chuyên sản xuất, kinh doanh hạt điều đã áp dụng 3T được hơn 20 ngày. Từ một nhà máy với 650 lao động, khi thực hiện 3T chỉ còn duy trì 250 người, công suất cũng vì vậy mà giảm còn 30%.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Cao Thúc Uy, Giám đốc công ty, cho biết: “Tính đến hôm nay, tôi đã ăn, ngủ, làm việc tại công ty được 25 ngày. Mặc dù nhà chỉ cách 15 phút đi xe nhưng từ đó đến nay tôi chưa được về nhà. Những người lao động tại công ty cũng vậy, có người chỉ cách nhà một bờ tường rào của công ty vẫn phải ở lại đây”.

Theo ông Uy, chi phí để thực hiện 3T rất lớn, nào là túi ngủ cho người lao động, vật dụng cá nhân, chăn, chiếu, xây dựng hệ thống phòng tắm dã chiến... Những khó khăn này công ty đã vượt qua được rồi nhưng điều ông Uy lo lắng là việc xa nhà, ở trong môi trường nhà máy quá lâu, tâm lý người lao động bị ảnh hưởng, khó mà tiếp tục bám trụ.

Vì vậy, lãnh đạo công ty này đề nghị chính quyền địa phương, Chính phủ có giải pháp khác cởi trói cho các DN, cho phép người lao động được về nhà. “Người lao động đã cố gắng hỗ trợ DN để không đứt gãy chuỗi cung ứng nhưng quá 28 ngày là quá sức. Vì họ còn gia đình, vợ con và nhiều vấn đề khác của cuộc sống chứ không phải chỉ có công việc. Nếu đề xuất này không được chấp thuận, người lao động vẫn phải làm việc 3T, tôi đành xin phép đóng cửa để mọi người được về với gia đình trong một thời gian rồi mới tính sau” - ông Uy nói.

Lãnh đạo Công ty Cao Phát cũng cam kết với địa phương về việc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch. “Người lao động đã ý thức rất rõ ràng về mối nguy hiểm của dịch bệnh. Họ về nhà và cam kết ở yên trong nhà, không đi ra ngoài nếu không quá cần thiết. Tôi cho rằng cách đó là ổn nhất” - ông Uy nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, công ty này cũng kiến nghị cơ quan chức năng cho phép nới lỏng thời gian xét nghiệm. Bởi hiện nay, cứ cách ba ngày công ty lại phải làm xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ người lao động với chi phí 230.000 đồng/người lao động. Như vậy, trung bình một lần test, công ty phải tốn chi phí hơn 57 triệu đồng, mỗi tuần hơn 170 triệu đồng.

Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM Lý Kim Chi cũng kiến nghị cơ quan chức năng để các công ty tự chủ chọn mô hình phù hợp với điều kiện đảm bảo phòng chống dịch COVID-19. Đặc biệt tiêm vaccine sớm cho công nhân để họ yên tâm sản xuất. “Nếu tiếp tục 3T như hiện nay, các DN không tiếp tục làm nổi nữa” - bà Chi nhấn mạnh.•

 

Bộ Công Thương đề xuất các giải pháp gỡ khó cho 3T

Để tháo gỡ cho 3T, Bộ Công Thương đã gửi văn bản tổng hợp các kiến nghị, giải pháp của DN đến Bộ Y tế và các bên liên quan. Theo đó, ngoài các quy định về giải pháp “3T”, “một cung đường, hai địa điểm”, Bộ Công Thương đề nghị bổ sung các hình thức khác cho DN được lựa chọn. Đồng thời đề nghị bổ sung quy định cho phép người lao động được về nhà với điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh như di chuyển theo tuyến cố định, không dừng đỗ dọc đường...

Đặc biệt, cơ quan chức năng cần đưa ra quy định về quy trình, thời hạn các cơ quan y tế địa phương cần phối hợp với DN để tách F0, F1 ra khỏi môi trường làm việc; quy định về tổ chức xét nghiệm cộng gộp định kỳ, lấy mẫu trực tiếp tại nhà máy để cắt giảm chi phí, thời gian.

“Cơ quan chức năng cũng phải đưa ra các điều kiện, quy định cụ thể để cho phép DN được hoạt động trở lại tương ứng với các kịch bản khác nhau, như 30%, 50%, 70%, cho tới 100% công suất như trước khi xảy ra dịch. Điều kiện hoạt động theo kịch bản tùy vào mức độ đảm bảo an toàn của DN để có kế hoạch bố trí lao động và nguồn lực sản xuất thích hợp” - văn bản kiến nghị nêu rõ.

Doanh nghiệp góp ý thêm về mô hình '3 tại chỗ' ảnh 2
Các công ty đều mong muốn đẩy nhanh tiêm vaccine
để công nhân yên tâm sản xuất. Ảnh: PM

Lo tiêm vaccine tập trung làm lây lan dịch

Ông Nguyễn Phúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, cho biết các công ty 3T đang tìm mọi giải pháp để giữ gìn nguồn “công nhân sạch”, tức không bị nhiễm COVID-19. Thế nhưng hiện nay các cơ quan y tế triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 lại gọi từng tốp công nhân, mỗi DN khoảng 20-30 công nhân, đến một địa điểm tập trung với vài trăm công nhân của nhiều đơn vị khác nhau để tiêm vaccine.

Các công ty lo ngại việc tiêm vaccine như vậy sẽ làm lây lan dịch vào “công nhân sạch” của họ. Để đảm bảo an toàn, DN phải xét nghiệm lại số công nhân đã ra ngoài tiêm vaccine, sau đó đưa vào vùng đệm, nếu an toàn mới được đưa vào sản xuất. Đó là điều cực kỳ phi lý và nguy hiểm.

Do vậy, các DN kiến nghị lực lượng y tế tổ chức tiêm vaccine tại các nhà máy. Nếu tiêm tập trung thì phải tách giờ tiêm riêng biệt, đảm bảo giãn cách để ngăn virus nhiễm vào nguồn “công nhân sạch” của DN.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm