Ca tử vong này là trường hợp đầu tiên chết do dơi ma cà rồng hút máu truyền bệnh dại ở Brazil kể từ năm 2004. Đây là đợt dơi ma cà rồng tấn công khủng khiếp nhất trong khu vực. Vụ việc được cho là do số lượng loài dơi này ngày càng tăng và chúng làm tổ gần môi trường sống của con người.
Theo cơ quan y tế bang Bahia (SESAB), ông Edwardson Francisco Souza, 46 tuổi đã tử vong vì bị dơi cắn. Khi ông đang vắt sữa bò tại trang trại ở Paramirim thì vô tình dẫm phải một con dơi mắc bệnh dại và bị cắn vào chân. Sau khi bị cắn, ông chỉ rửa sơ lại vết thương và không đến bệnh viện kiểm tra.
Ông Edwardson Francisco Souza, 46 tuổi đã tử vong vì bị dơi cắn. Ảnh: DAILY MAIL
Ba tuần sau đó, ông đã phải nhập viện vì có các triệu chứng đau đầu, buồn nôn, khó thở. Kết quả kiểm tra cho thấy ông bị lây bệnh dại nhưng đã quá muộn để các bác sĩ truyền vaccine. Ông đã tử vong ngay sau đó vào tháng 3-2017.
Cơ quan SESAB ngay lập tức đã đưa ra cảnh báo cho cộng đồng về nguy cơ mắc bệnh dại và cách thức để phòng tránh. Chỉ vài ngày sau ca tử vong này, người dân sống ở TP Salvador, cách Paramirim hơn 600 km cũng cho biết bị tấn công bởi loài dơi khát máu này. Chúng dường như đã chọn máu người làm nguồn thức ăn mới.
Loài dơi ma cà rồng đang hoành hành ở Brazil. Ảnh: DAILY MAIL
Trong ba tháng qua, hàng chục người dân địa phương cho hay đã bị loài dơi này tấn công vào ban đêm. Nhiều người thức dậy phát hiện chăn mền bị dính đầy máu vì bị dơi cắn vào ngón chân, gót chân và khuỷu tay.
Một trong số các nạn nhân, Matheus Andrade, sống ở trung tâm thành phố kể lại: "Tôi đã bị cắn ba lần trong hai đêm liên tiếp vào khoảng giữa tháng 5. Mãi đến lần thứ hai thì tôi mới biết mình bị dơi cắn. Ban đầu, tôi nghĩ là do trong khi ngủ tôi đã va chân vào đâu đó. Vết thương nhỏ nhưng rất sâu và chảy rất nhiều máu”.
Vết thương do dơi cắn nhỏ nhưng rất sâu và chảy nhiều máu. Ảnh: DAILY MAIL
Theo bác sĩ thú y Aroldo Carneiro, thông thường mọi người sẽ nhầm lẫn dấu vết bị dơi cắn với những vết thương xây xát nhỏ ở đâu đó. Dơi ma cà rồng là loài động vật nhỏ sống về đêm, chiều dài khi sải cánh hơn 20 cm. Chúng chỉ sống ở châu Mỹ và chuyên hút máu, dùng răng cửa bén nhọn cắn con mồi.
Ông Carneiro, người đứng đầu đơn vị giám sát bệnh dại, cho biết: "Vết dơi cắn không gây đau nhiều vì trong nước bọt của dơi có chất giảm đau và chống đông máu, chúng có thể giúp vết thương lành lại nhanh chóng". Ông cũng nhấn mạnh việc dơi tấn công người rất hiếm khi xảy ra ở Salvador.
Nhiều tòa nhà tại trung tâm lịch sử của Salvador bị bỏ hoang trở thành nơi sinh sống của loài dơi này. Ảnh: DAILY MAIL
Tuy nhiên, ông cho rằng việc con người phá hoại môi trường sống của chúng là một trong những yếu tố khiến chúng không tìm được thức ăn và bắt đầu tấn công hút máu người. Ngoài ra, có nhiều tòa nhà tại trung tâm lịch sử của Salvador bị bỏ hoang, tạo điều kiện cho loài dơi này bay vào sinh sống.
Để đối phó với hiện tượng kỳ quái này, lực lượng đặc nhiệm của các cơ quan kiểm soát dịch bệnh đã đến thăm nhà người dân bị tấn công. Người dân được lưu ý phải cẩn thận vào ban đêm, đóng kín cửa sổ, treo màn lưới, chặn những khe hở trên mái nhà...
Cơ quan giám sát gần đây đã bắt được 16 con dơi và kết quả xét nghiệm cho thấy có hai con dơi mang virus bệnh dại.