‘Đôi mắt thần kỳ’ của đôi bạn thân

Chủ nhân của “đôi mắt thần kỳ” dành cho người khiếm thị là hai học sinh Nguyễn Văn Hoài Linh (lớp 12A1) và Ngô Quang Hiếu (lớp 12A5 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Đà Nẵng). Với thiết bị vừa sáng chế, đôi bạn Linh và Hiếu vừa xuất sắc giành giải nhất trong cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật (năm học 2016-2017) do Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng tổ chức.

Thương các em khiếm thị

Đầu năm 2016, trong một chuyến đi tình nguyện để giúp đỡ các học sinh bị khiếm thị của Trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), Linh và Hiếu đã xúc động khi chứng kiến sự khó khăn của thầy và trò nhà trường trong việc dò và đọc trên giấy cũng như trên bảng nhựa và bảng gỗ.

“Em thấy thầy giáo dùng các nút tròn và thước để canh chữ cho các em, còn các bạn đục chữ bằng dụng cụ rất thô sơ. Nếu cái nút tròn này mà bị rớt thì thầy và trò rất khó để tìm lại được, dẫn đến tốn rất nhiều thời gian và công sức” - Hiếu chia sẻ.

Sau khi tâm sự với các thầy cô trong trường, Linh và Hiếu nhận thấy hiện các thiết bị hỗ trợ học tập có ở trường đều rất thô sơ và lạc hậu. Để có được các thiết bị phục vụ cho người khiếm thị thì nhà trường phải nhập ở nước ngoài về vì trong nước chưa có bán. Mỗi chiếc máy có giá thành rất cao. Điều đó khiến việc học tập của những học sinh khiếm thị ở trường gặp nhiều bất lợi.

“Theo em được biết, muốn viết chữ thì người khiếm thị phải dùng tay đục thủ công các ký tự lên trên bảng nhựa hoặc giấy. Trong quá trình đục, nếu có sai sót gì thì họ phải đục lại từ đầu, bảng nhựa hoặc giấy sẽ phải bỏ đi” - Linh nói.

Chính vì lý do đó, đôi bạn bàn với nhau tìm cách chế tạo một thiết bị giúp các em khiếm thị trong nhà trường đỡ vất vả cũng như tốn thời gian đục và hiểu một đoạn văn bản.

Nguyễn Văn Hoài Linh hướng dẫn để các học sinh khiếm thị làm quen với máy hỗ trợ đọc và viết.

Máy rất nhỏ gọn, người khiếm thị có thể sử dụng thành thạo chỉ sau một lần hướng dẫn.

Bỏ ăn, bỏ ngủ chế tạo

Chơi thân với nhau từ hồi học cấp II, vì thế từ khi bắt tay vào chế tạo chiếc máy, Hiếu và Linh luôn thể hiện được sự ăn ý trong từng công đoạn. Đôi bạn cũng tự phân chia việc cho nhau.

“Vì học chuyên tin học nên em có nhiều kinh nghiệm trong việc lập trình và thiết kế giao diện. Thế nên em đảm nhiệm phần thiết kế phần mềm, còn Linh chuyên toán nên làm phần cứng và thiết kế sao cho máy nhìn bắt mắt” - Hiếu kể.

Linh và Hiếu tiến hành công việc tại nhà, mà thường là tại nhà Linh. Ngoài ra, trong những ngày thu thập những tham số cần thiết, đôi bạn “đóng đô” luôn trong phòng thí nghiệm của nhà trường. Sau nhiều phân tích và đánh giá, dần dần “đứa con tinh thần” của đôi bạn cũng đã được định hình.

Thầy Nguyễn Hữu Siêu, giáo viên dạy môn tin học, cũng là người thầy hướng dẫn chính của Linh và Hiếu chế tạo chiếc máy cho biết: “Chủ yếu là hai em tự làm hết. Tôi chỉ hướng dẫn khi các em bí và tư vấn cho các em nên mua những thiết bị gì, mua ở đâu”.

Còn đối với Linh, cứ lúc nào rảnh là em lại chạy đi kiếm các đồ điện tử, vi mạch và thiết bị cơ khí cần thiết. Có nhiều lúc em chưa hết vui mừng vì mua với giá rẻ thì thiết bị lăn đùng ra “đột tử”. “Nhiều lúc em nản lắm, tìm kiếm cả ngày trời mà vẫn không tìm ra thứ mình cần. Đó là chưa kể đến chuyện khi tìm ra rồi thì lại không biết phải làm sao để kết hợp chúng lại với nhau. Có những thứ vượt quá sự hiểu biết, em lại tìm đến nhờ tư vấn của thầy hướng dẫn và các anh chị đi trước” - Linh cho hay.

Sau hơn ba tháng bỏ ăn, bỏ ngủ để tìm tòi, thiết kế, cuối cùng Linh và Hiếu cho ráp phần cứng và phần mềm với nhau. Bao nhiêu thời gian, công sức và tiền bạc đều bỏ hết vào “đứa con tinh thần” này. Thế nhưng thiết bị không hoạt động. Đôi bạn phải tháo ra mang lên phòng thí nghiệm để đo lại các tham số. Phải mất gần một tuần thầy và trò mới tìm ra nguyên nhân và bắt tay vào sửa chữa.

“Khi hắn không hoạt động, lúc đó em muốn đập nó đi cho rồi. Nhưng nhờ sự quyết tâm của Linh và sự động viên của thầy nên em đã nghiêm túc tìm hiểu nguyên nhân. Sau khi tìm hiểu kỹ, em thấy các tham số em viết chưa phù hợp với bên phần cứng mà Linh đã làm nên em đã điều chỉnh lại cho phù hợp” - Hiếu vừa nói vừa cười.

Ngô Quang Hiếu trong quá trình hàn mạch sản phẩm.

Rất rẻ và tiện dụng

Qua nhiều khó khăn, thử thách, ba tháng sau phiên bản đầu tiên của máy đọc chữ đã được đưa ra thử nghiệm. Tuy chưa có chức năng đọc chữ Braille nhưng người khiếm thị có thể sử dụng những âm thanh có sẵn phát ra từng ký tự trong sản phẩm. Nhận thấy thiết bị còn nhiều hạn chế, trong phiên bản tiếp theo, hai em đã thêm vào phần đọc chữ nổi. Vậy là từ những ý tưởng ban đầu, sản phẩm chỉ gồm vài chức năng đơn giản, qua nhiều lần tháo ra làm lại, cuối cùng thiết bị đã hoàn thiện hơn rất nhiều.

Với chi phí gần 2 triệu đồng và mất gần sáu tháng để có được một thiết bị hoàn chỉnh, ngay lập tức Hiếu và Linh đưa đến cho các em khiếm thị Trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu để thử nghiệm. Trong các lần thử nghiệm, thiết bị đã thể hiện tính ưu việt.

“Người khiếm thị sẽ điều khiển hệ thống dựa trên hai nút: nhập và in, trên máy tính sẽ ngay lập tức chuyển sang chữ Braille. Với thiết bị này, người khiếm thị có thể dễ dàng đọc và soạn văn bản, giảm được thời gian và công sức khi không cần thực hiện bằng tay. Ngoài ra, với thiết bị này người khiếm thị có thể đọc mà máy có thể in ra chữ Braille” - Linh cho biết nguyên lý hoạt động của thiết bị.

Tự tin bước vào cuộc thi lớn

Chiếc máy giành giải nhất cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn tỉnh Đà Nẵng của Linh và Hiếu là một trong bảy thiết bị đại diện cho Đà Nẵng đi dự thi cấp quốc gia, được tổ chức vào tháng 3 năm nay tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Để chuẩn bị cho cuộc thi lớn sắp tới, hiện đôi bạn đang hoàn thiện sản phẩm về mặt thẩm mỹ, chất lượng âm thanh, tính tiện dụng và đặc biệt là tốc độ xử lý nâng lên tám ký tự so với bốn trước đây.

“Trong những ngày này, chúng em phải thật sự nghiêm túc, khẩn trương. Tuy là gặp nhiều đối thủ mạnh nhưng tụi em tự tin sẽ chiến thắng ở cuộc thi này” - Hiếu nói.

Khoảng hai tuần trở lại đây, ngày nào Linh và Hiếu cũng thức tới 2-3 giờ sáng, ngày không xong thì đêm làm. Đôi bạn dành hẳn những ngày cuối tuần để đầu tư cho “đứa con tinh thần”. So với thế hệ cũ, trong phiên bản mới này, đôi bạn tự tin áp dụng công nghệ in 3D vào thiết kế để thiết bị trông bắt mắt hơn.

Không những thế, với những kinh nghiệm đã có từ những lần trước, đến lần này Linh đã chủ động hơn trong việc tìm kiếm các linh kiện điện tử hiện đại, không còn tình trạng linh kiện mới mua về mà đã hư.

“Do đợt trước thấy em ngày nào cũng chạy tới mấy chỗ bán linh kiện mà mấy người chủ quen mặt luôn. Vì thế, khi nào có linh kiện còn tốt các cô chú luôn gọi hỏi em có lấy không, nhờ vậy mà tụi em không còn phải tốn nhiều tiền nữa” - Linh vui vẻ kể.

Với ưu điểm là rất nhỏ gọn và có giá rẻ hơn rất nhiều so với máy nhập từ nước ngoài, máy còn hỗ trợ tiếng Việt là điều mà các thiết bị mua từ nước ngoài không có. Linh và Hiếu đang nghiên cứu chế tạo sản phẩm theo kiểu môđun để dễ tháo lắp.

Sau khi sản phẩm được hoàn thiện tốt nhất, đôi bạn muốn thiết bị này đến tay người khiếm thị không chỉ trong địa bàn Đà Nẵng mà còn trong cả nước.

Đôi bạn rất thông minh và cần cù

Linh và Hiếu rất thông minh, cần cù và chịu khó trong các hoạt động. Nhà trường rất vui khi hai em đã chế tạo ra sản phẩm có thể phục vụ cho những người khiếm thị, giúp họ sớm hòa nhập với cộng đồng.

Thầy LÊ VINH, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng

Mong trường chuyên biệt được sử dụng thiết bị này

Lúc Linh và Hiếu mang thiết bị lên để các em khiếm thị dùng thử, tôi rất bất ngờ. Chiếc máy này giống như là “đôi mắt thần kỳ” dành cho người khiếm thị vậy. Hiện nay nhà trường đang có 40 học sinh khiếm thị. Đa số thiết bị dạy học đều được các tổ chức phi chính phủ tặng chứ nhà trường không thể mua được vì giá thành quá cao, mà ở nước ta cũng chưa có bán. Nếu nhà trường có được thiết bị như thế này để dạy học cho các em thì quá tốt.

ĐỖ QUYÊN, Hiệu trưởng Trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm