Khi tờ Chosun của Hàn Quốc đưa tin chính quyền Tổng thống Donald Trump lên kế hoạch cắt giảm số lượng quân đội Mỹ trên bán đảo Triều Tiên nếu Hàn Quốc không chi trả nhiều hơn, các quan chức ở Washington và Seoul đã ngay lập tức cải chính, theo báo South China Morning Post.
Hôm 21-11, Lầu Năm Góc khẳng định thông tin Tổng thống Trump có thể cắt giảm đến 4.000 quân nếu Seoul không đồng ý trả thêm chi phí quốc phòng là “hoàn toàn sai sự thật” và yêu cầu tờ báo rút lại thông tin trên ngay lập tức.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhấn mạnh rằng bài báo chỉ dựa trên một nguồn tin ngoại giao giấu tên ở Washington, chứ không phải quan điểm chính thức của chính phủ Mỹ.
Tuy nhiên, thông tin này vẫn khiến giới quan sát nghi ngại về những vết nứt ngày càng sâu sắc trong một liên minh hình thành từ thời Chiến tranh Triều Tiên. Mối quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn đóng vai trò then chốt trong việc duy trì hiện trạng an ninh khu vực. Từ đó đặt ra câu hỏi liệu Seoul có thể đi tìm sự hỗ trợ an ninh và quốc phòng từ những nơi khác, như Bắc Kinh hay không.
Hôm 22-11, Mỹ đã có thể nhẹ nhõm khi Seoul đưa ra quyết định tạm thời gia hạn hiệp ước chia sẻ thông tin quân sự với Nhật Bản vào phút cuối – dưới áp lực mạnh mẽ của Washington nhằm duy trì sự hợp tác giữa các đồng minh trong bối cảnh tranh chấp thương mại căng thẳng giữa hai nước Đông Á.
Dù vậy, cam kết của Washington dường như không hoàn toàn chắc chắn, đặc biệt là sau khi phái đoàn Mỹ, do quan chức Bộ Ngoại giao James DeHart dẫn đầu, đã bỏ ra về trong cuộc đàm phán ở Seoul sau khi Hàn Quốc từ chối trả gần 5 tỉ USD cho việc triển khai lính Mỹ tại quốc gia này.
Chỉ vài ngày trước đó, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN tại Bangkok (Thái Lan), Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo và người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã đồng ý theo đuổi một sự hợp tác quân sự chặt chẽ hơn - bao gồm các đường dây nóng quân sự và liên lạc quốc phòng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm quân đội Mỹ vào tháng 6 tại căn cứ không quân Osan ở Hàn Quốc. Ảnh: Reuters
Tuy Seoul hạn chế công khai sự rạn nứt, các chính trị gia và các nhóm dân sự của Hàn Quốc đã bày tỏ sự phẫn nộ về cách đối xử của Nhà Trắng đối với đồng minh lâu năm.
Tuần trước, một nhóm 47 nhà lập pháp thiên tả, bao gồm các thành viên thuộc đảng cầm quyền của Tổng thống Moon Jae-in, đã đưa ra một tuyên bố cáo buộc Washington đóng quân tại Hàn Quốc vì lợi ích riêng và cam kết “đứng lên chống lại mối đe dọa của chính quyền Tổng thống Trump”. Nhiều người Hàn Quốc phẫn nộ vì những đóng góp kéo dài hàng thập niên của quốc gia đang bị xem như “sự ăn bám”.
Chiến thuật chơi rắn của Washington đã khiến cả phe bảo thủ Hàn Quốc, những người có truyền thống ủng hộ Mỹ, cũng nổi giận. Trong một bài xã luận hôm 21-11, tờ Chosun, vốn có quan điểm thân thiện với Mỹ, đã chỉ trích ông Trump và cảnh báo nếu Mỹ rút quân, Seoul "sẽ buộc phải mua vũ khí hạt nhân".
Năm ngoái, Hàn Quốc trả khoảng 40% chi phí hoạt động cho việc đồn trú của 28.500 lính Mỹ - vào khoảng 890 triệu USD, cao hơn 8% so với năm trước. Hàn Quốc cũng cho các cơ sở Mỹ thuê đất miễn phí và trả hơn 90% trong 10,7 tỉ USD chi phí di dời căn cứ quân sự Mỹ đến Pyeongtaek, cách thủ đô Seoul khoảng 65 km.
Ông Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao của Tập đoàn RAND có trụ sở tại Washington, cho biết: “Hàn Quốc và Mỹ không chỉ có chung lợi ích, mà còn chia sẻ các giá trị trong việc duy trì trật tự dựa trên các quy tắc và sự thúc đẩy nhân quyền và dân chủ”.
Ông Soo Kim, cựu chuyên viên phân tích tình báo Mỹ hiện làm việc tại RAND, cho biết nếu Hàn Quốc trở thành đối tác quốc phòng của Trung Quốc, cán cân quyền lực của khu vực sẽ thay đổi.
Theo ông Grossman, việc mất mối quan hệ đối tác quốc phòng với Hàn Quốc vào tay Trung Quốc sẽ là điều không thể chấp nhận được đối với chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Washington.