Các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết khủng hoảng Venezuela phần nào đã cho kết quả bước đầu khi giữa tuần rồi chính phủ và phe đối lập cùng gửi đặc phái viên đến Na Uy đối thoại, hãng tin AP cho biết.
Các đại diện hai bên Venezuela có mặt ở Na Uy gồm có Bộ trưởng Thông tin Jorge Rodriguez, Thống đốc Hector Rodriguez của bang Miranda - đại diện cho phía chính phủ, ông Stalin Gonzalez – một lãnh đạo cấp cao trong Quốc hội do phe đối lập kiểm soát và hai cố vấn đại diện cho phe đối lập.
Phát biểu trước một số quan chức quân đội ngày 17-5, Tổng thống Nicolas Maduro nói các đại diện của chính phủ “đến Na Uy để dẫn đầu phái đoàn Venezuela bắt đầu một cuộc thăm dò về bàn bạc và đối thoại với phe đối lập Venezuela nhằm xây dựng một lịch trình hòa bình cho đất nước”.
Lãnh đạo đối lập Juan Guaido có vẻ hững hờ hơn. Viết trên Twitter ngày 16-5 ông Guaido xác nhận có gửi đại diện đến Na Uy đối thoại, tuy nhiên cho biết phe đối lập "sẽ không để bị chính phủ lèo lái".
Ông Guaido khăng khăng cho rằng bất kỳ đối thoại nào nhằm giải quyết khủng hoảng Venezuela phải dẫn tới sự chấm dứt của chính phủ Tổng thống Maduro, thay bằng một chính phủ chuyển tiếp và tổ chức bầu cử tự do và công bằng.
Tổng thống Nicolas Maduro trong một buổi lễ tại một căn cứ hải quân ở TP Catia La Mar, bang Vargas (Venezuela) ngày 14-5. Ảnh: REUTERS
Theo Bộ Ngoại giao Na Uy, cuộc đối thoại đang trong “giai đoạn thăm dò”. Trong khi đó, ông Gonzalez nói với truyền thông địa phương rằng hai bên gặp riêng với các nhà hòa giải Na Uy, và không có cuộc gặp trực tiếp nào.
Ông Guaido cũng nói với báo chí rằng cuộc đối thoại chưa thể gọi là “thương lượng” mà là một dạng “hòa giải”.
Tham gia đối thoại là một bước đảo ngược của phe đối lập, vốn vẫn cáo buộc ông Maduro sử dụng các cuộc thương lượng trước đó trong thời gian từ năm 2016-2018 để kéo dài thời gian cầm quyền. Đáp lại, ông Maduro cáo buộc phe đối lập cố gắng giành quyền lực bằng vũ lực.
Chấp nhận đối thoại là một bước đảo ngược của lãnh đạo đối lập Juan Guaido. Ảnh: REUTERS
Theo Đại sứ Venezuela tại Liên Hiệp Quốc Samuel Moncada, cuộc đối thoại Oslo (Na Uy) là dấu hiệu đầu tiên cho thấy chính phủ Venezuela sẵn sàng đàm phán với ông Guaido.
Đối thoại ở Na Uy không phải là lần liên lạc đầu tiên giữa hai bên, tạp chí Time dẫn lời chuyên gia phân tích rủi ro Mỹ La-tinh Diego Moya-Ocampos tại công ty cung cấp thông tin IHS Markit (Anh) cho biết.
Theo chuyên gia Moya-Ocampos, luôn luôn có những kênh phía sau để cố gắng tìm một giải pháp liên quan đến bầu cử.
Trong lúc này, Nhóm Liên lạc Quốc tế gồm tám nước châu Âu, Liên minh châu Âu và bốn nước Mỹ La-tinh cũng đang làm việc về Venezuela. Nhóm này được thành lập sau khi ông Guaido tự xưng là tổng thống lâm thời của Venezuela hồi tháng 1.
Phe đối lập Venezuela được hơn 50 nước ủng hộ, trong đó có Mỹ và nhiều nước châu Âu, Mỹ La-tinh. Trong khi đó ông Maduro vẫn giữ được quyền kiểm soát chính phủ và nhận được sự ủng hộ của quân đội, cũng như của các nước Nga, Cuba, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ.