Ngày 22-6, tại buổi họp báo thông tin về triển lãm Hội chợ máy và nguyên liệu gỗ quốc tế Bình Dương 2023 (BIFA WOOD VIETNAM 2023), ông Nguyễn Phương, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành, mang đến một thông tin tích cực.
Đó là trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn tứ bề thì các đơn hàng đã bắt đầu có trở lại.
Đơn hàng đang có trở lại, tuy nhiên theo ông Phương, số lượng đơn hàng không còn lớn như trước đây và thời gian giao hàng bị rút ngắn từ 70-90 ngày xuống còn 45-60 ngày.
“Các yêu cầu mới về đơn hàng đòi hỏi cần phải đầu tư máy móc có tính đa năng hơn thì mới đáp ứng được” - ông Phương nói.
Họp báo thông tin về triển lãm Hội chợ máy và nguyên liệu gỗ quốc tế Bình Dương 2023. |
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Đại Phúc Vinh, đánh giá các doanh nghiệp ngành gỗ Việt đang mất dần sự cạnh tranh với các doanh nghiệp quốc tế.
Lý do vì ở Việt Nam, ngành gỗ vẫn đang phải sử dụng nhiều nhân công, quy trình sản xuất còn rườm rà, cồng kềnh làm gia tăng chi phí sản xuất. Vấn đề này cho thấy các doanh nghiệp cần có sự đầu tư về công nghệ để rút gọn công đoạn sản xuất.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết: Chúng ta đang đối diện về việc phải nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh nhu cầu từ thị trường thế giới xuống rất thấp, thời gian giao hàng phải nhanh, chi phí nhân công còn cao, tiêu hao nguyên liệu còn lớn.
“Hội chợ lần này sẽ tập trung vào các giải pháp giảm chi phí sản xuất, giảm tiêu hao nguyên liệu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp gỗ Việt Nam. Tôi đã từng thăm một xưởng sản xuất các sản phẩm từ gỗ rừng trồng, thấy một nguyên liệu có trị giá hơn 3 triệu đồng/m3 nhưng qua giải pháp và công nghệ có thể đưa sản phẩm từ nguyên liệu rừng trồng đó lên hơn 3.000 USD” - ông Lập cho biết.
Theo thông tin tại họp báo thì Hội chợ máy và nguyên liệu gỗ quốc tế Bình Dương 2023 sẽ diễn ra từ ngày 9 đến 12-8 tại Trung tâm Triển lãm quốc tế WTC Expo Bình Dương. Hội chợ quy tụ hơn 100 doanh nghiệp, với gần 800 gian hàng nhằm giới thiệu công nghệ sản phẩm máy móc, thiết bị công nghiệp về chế biến gỗ của các doanh nghiệp đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ: Ý, Hồng Kông, Trung Quốc, Đài Loan...
Ngoài ra hội chợ còn giới thiệu các phụ kiện, phụ liệu về ngành gỗ, chế biến gỗ, của các doanh nghiệp đến từ Châu Mỹ, Châu Âu và nguyên liệu gỗ nhập khẩu của doanh nghiệp trong nước…
Hội chợ lần này được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận công nghệ mới, nguồn nguyên liệu đa dạng và hợp pháp. Hội chợ cũng tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong ngành gặp nhau, hợp tác kinh doanh, sâu xa hơn nữa là tạo ra chuỗi liên kết dọc trong ngành từ các nhà cung ứng nguyên vật liệu, phụ kiện, cung cấp máy móc, công nghệ, đến các nhà sản xuất, thương mại.
Trong thời gian diễn ra hội chợ, Ban tổ chức còn phối hợp với các cơ quan ban ngành, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trong nước và quốc tế tổ chức các hội thảo chuyên đề như: Hội thảo về thị trường và gỗ Canada, hội thảo xúc tiến thương mại nội khối, hội thảo về tiếp cận nguồn vốn cho doanh nghiệp gỗ...